Các trường hợp từ chối cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam ?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:12 (GMT+7)

Bài viết trình bày về Các trường hợp từ chối cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, chịu sự giám sát của phía Việt Nam, bảo đảm cho các nhà khoa học Việt Nam được tham gia và phải cung cấp cho phía Việt Nam các tài liệu, mẫu vật gốc và các kết quả nghiên cứu liên quan.

Vậy, trường hợp nào thì bị từ chối cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam ?

Quy định hiện hành về nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

1. Điều kiện để tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học

Căn cứ theo Điều 36 của Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13 ngày 21 tháng 06 năm 2012 (gọi tắt là Luật Biển Việt Nam năm 2012), quy định khi tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ những quy định sau đây:

a) Có mục đích hòa bình;

b) Được thực hiện với phương thức và phương tiện thích hợp, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan;

c) Không được gây cản trở đối với các hoạt động hợp pháp trên biển theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan;

d) Nhà nước Việt Nam có quyền tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học của nước ngoài trong vùng biển Việt Nam và có quyền được chia sẻ các tài liệu, mẫu vật gốc, sử dụng và khai thác các kết quả khoa học thu được từ các hoạt động nghiên cứu, khảo sát đó.

e) Có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam

2. Hình thức cấp giấy phép nghiên cứu

Theo Khoản 1, Điều 3 của Nghị định số 41/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, Chính phủ quy định về hình thức cấp phép nghiên cứu khoa học như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;

b) Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;

Việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam và việc chấp thuận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam được thể hiện bằng quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học lập theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 41/2016/NĐ-CP.

3. Nội dung Quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học

Theo Khoản 2, Điều 3 của Nghị định số 41/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, Chính phủ quy định Quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ, quốc tịch của tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp phép;

b) Tên, quốc tịch của các nhà khoa học nước ngoài; tên của các nhà khoa học Việt Nam tham gia hoạt động nghiên cứu;

c) Mục tiêu, nội dung hoạt động nghiên cứu;

d) Vị trí, tọa độ khu vực biển thực hiện hoạt động nghiên cứu;

đ) Phương pháp nghiên cứu; phương tiện, thiết bị nghiên cứu; vật liệu nổ, hóa chất độc được phép sử dụng để nghiên cứu;

e) Lịch trình nghiên cứu;

g) Thời hạn cấp phép nghiên cứu khoa học.

Các trường hợp từ chối cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

Căn cứ theo Điều 4 của Nghị định số 41/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, Chính phủ quy định các trường hợp sau thì chối cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam:

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài không vì mục đích hòa bình; làm phương hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, hoạt động quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam; làm phương hại đến trật tự, an toàn trên biển; hoạt động bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên biển đang được tiến hành hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.

3. Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài có sử dụng vật liệu nổ, hóa chất độc, các phương tiện, thiết bị khác có khả năng gây thiệt hại đối với người, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường biển, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:

c) Không được làm ảnh hưởng đến hoạt động quốc phòng, an ninh của Việt Nam và các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đang được tiến hành hợp pháp trong vùng biển Việt Nam; không được mang vào vùng biển Việt Nam vũ khí, vật liệu nổ, hóa chất độc, các phương tiện, thiết bị khác có khả năng gây thiệt hại đối với người, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường biển, trừ trường hợp vật liệu nổ, hóa chất độc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho phép sử dụng để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học”

4. Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài có xây dựng đảo nhân tạo, công trình trên biển.

5. Thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp không chính xác hoặc thông tin về mục tiêu, nội dung của hoạt động nghiên cứu khoa học không phù hợp với sự thực hiển nhiên.

6. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đã được cấp phép trước đây để tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

7. Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài có khoan ở đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho phép thực hiện.

8. Tổ chức, cá nhân nước ngoài nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam; nghiên cứu khoa học có khoan ở đáy biển, lòng đất dưới đáy biển không hợp tác nghiên cứu khoa học với phía Việt Nam khi Việt Nam có yêu cầu.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày quy định về các trường hợp từ chối cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư