Cảnh sát biển Việt Nam là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 17:00:35 (GMT+7)

Bài viết trình bày các nội dung về cảnh sát biển Việt Nam theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018

Với truyền thống “kiên quyết, dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, mỗi bước đi của Cảnh sát biển Việt Nam đều gắn liền với nhiệm vụ cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Qua hơn 23 năm xây dựng và trưởng thành, Cảnh sát biển Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã hội, Nhân dân cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng như dư luận quốc tế tiến bộ, chuộng hòa bình quan tâm, ủng hộ.

Vậy cảnh sát biển là gì? Cảnh sát biển có chức năng và nhiệm vụ như thế nào? Hãy cùng Luật Hoàng Anh tham khảo bài viết dưới này để cùng hiểu thêm về lực lượng cảnh sát biển Việt Nam theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam số 33/2018/QH14 được Quốc hội thứ 14 thông qua ngày 19 tháng 11 năm 2018 (sau đây được gọi là Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018).

1. Khái niệm

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 ghi nhận như sau:

“1. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.”

Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ. Cảnh sát biển Việt Nam tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Cảnh sát biển Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam số 33/2018/QH14 ngày 19/11/2018.

2. Phạm vi hoạt động

Có thể thấy, cảnh sát biển Việt Nam chính là nòng cốt thực thi pháp luật và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam gồm:

- Hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

- Chỉ được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Khi đó, hoạt động của Cảnh sát biển phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thoả thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

3. Quá trình hình thành lực lượng cảnh sát biển Việt Nam

Trước năm 1998, nước ta không có cơ quan Cảnh sát biển chuyên dụng nào mà chỉ có lực lượng hải quân tuần tra ngoài khơi cùng các hoạt động quân sự khác. Ngoài ra là các đội tàu tuần tra thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng, trong đó có các trạm kiểm soát ở cửa sông, cảng biển. Theo đó, tất cả trách nhiệm tuần tra sông thuộc về Cảnh sát Giao thông đường thủy (Cục Cảnh sát giao thông đường thủy - C68) dưới sự chỉ đạo của Công an các tỉnh và thành phố.

Ngày 28 tháng 8 năm 1998, Cục cảnh sát biển Việt Nam được thành lập, đánh dấu sự ra đời của Cảnh sát biển Việt Nam. Lúc này, Cục cảnh sát biển chỉ là một Cục chức năng và không chỉ huy các Vùng cảnh sát biển được thành lập sau đó.

Năm 2008, Cục Cảnh sát biển được chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng và đồng thời các Vùng cảnh sát biển được chuyển về trực thuộc Cục.

Năm 2013, Cục cảnh sát biển đổi tên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển theo Nghị định số 96/2013/NĐ-CP, ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ. Có con dấu hình quốc huy, là cơ quan trực thuộc Chính phủ Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam có ngân sách riêng của Nhà nước, có cảnh hiệu, cảnh phục riêng do Chính phủ quy định.

4. Chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam

- Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

- Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.

Theo đó, chức năng này được hiểu là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

5. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam

Xác định rõ được sự cấp thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng chuyên trách, nòng cốt để thực thi pháp luật, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước trong xu hướng hội nhập toàn cầu, Chính phủ đã đưa ra các nguyên tắc tổ chức và hoạt động nhằm tinh gọn, điều chỉnh hợp lý các hoạt động của Cảnh sát biển để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển và hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển. Các nguyên tắc này bao gồm:

- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đến đơn vị cấp cơ sở.

- Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

- Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển.

- Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.

6. Chính sách đối với đối tượng có hoạt động hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam

Tìm hiểu về tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì cơ quan, tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyết định huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.

Theo đó, những cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam sẽ có quyền lợi như sau:

- Được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật khi có yêu cầu;

- Có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục;

- Người bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

7. Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam

Căn cứ vào Điều 5 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định như sau:

“1. Nhà nước xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát biển Việt Nam.

2. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam trong sạch, vững mạnh.”

Trải qua hơn hai mươi năm xây dựng và trưởng thành với truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật” và chiến lược phát triển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao”, Lực lượng Cảnh sát biển đang ngày càng hoàn thiện những giá trị cốt lõi của Người chiến sĩ Cảnh sát biển: “Trách nhiệm - Kỷ cương - Nhân chính”.

Nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc để đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng và xứng tầm là lực lượng nòng cốt, chuyên trách của Nhà nước trong duy trì pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc.

Để xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển vững mạnh toàn diện, cần phải dựa trên nhiều yếu tố như kinh tế, nguồn lực, nhưng trước hết phải là xây dựng con người. Theo đó, Lực lượng Cảnh sát biển cũng như bất kỳ tổ chức, lực lượng nào, muốn phát triển bền vững lâu dài, đầy đủ toàn diện, cần phải xây dựng, phát triển yếu tố con người dựa trên những giá trị nền tảng cơ bản về phẩm chất đạo đức, phong cách, hành vi. Đó cũng được cho là nền móng quan trọng bảo đảm cho Lực lượng phát triển đúng định hướng và đạt được các mục tiêu chiến lược đã xác định.

8. Hành vi nào bị nghiêm cấm liên quan đến Cảnh sát biển Việt Nam?

- Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ.

- Mua chuộc, hối lộ hoặc ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam làm trái chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn.

- Giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; giả mạo tàu thuyền, phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam; làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, con dấu, giấy tờ của Cảnh sát biển Việt Nam.

- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam để vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển.

- Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật.

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật trên biển và xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chính vì thế mọi hành vi sai trái có dấu hiệu phạm tội, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích con người, lợi ích của quốc gia đều bị nghiêm cấm và xử phạt theo quy định của pháp luật.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư