2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Ngày 26 tháng 11 năm 2011, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Cơ yếu. Ngày 07 tháng 12 năm 2011 Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 14/2011/L-CTN công bố Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2012. Luật quy định về hoạt động cơ yếu; nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng cơ yếu; chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cơ yếu.
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 12 tháng 9 năm 1945 tổ chức Mật mã đầu tiên được thành lập (sau này đổi tên là Cơ yếu), tiền thân của Ban Cơ yếu Chính phủ hiện nay. Với vị trí và tầm quan trọng của việc giữ gìn thông tin bí mật phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; chỉ huy của lực lượng vũ trang, với tính chất hoạt động đặc thù, gần 70 năm hình thành và phát triển Ngành Cơ yếu Việt Nam luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết để quản lý, chỉ đạo đối với Ngành Cơ yếu Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam. Cơ yếu luôn luôn được Đảng và Nhà nước xác định là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, có chế độ công tác nghiêm ngặt, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
Thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động cơ yếu, ngày 04 tháng 4 năm 2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh cơ yếu. Qua triển khai thực hiện, Pháp lệnh cơ yếu đã từng bước đi vào cuộc sống. Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương , các tổ chức, cơ quan sử dụng cơ yếu về cơ bản đã nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng, cơ mật và sự cần thiết của công tác cơ yếu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ ổ quốc. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chế, quy định, chế độ công tác về cơ yếu đã được ban hành. Tuy nhiên, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin, truyền thông thì yêu cầu bảo mật an toàn thông tin ngày càng cao. Trong khi đó, một số quan điểm, đường lối, chính sách mới của Đảng về công tác cơ yếu vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; Pháp lệnh Cơ yếu và một số văn bản quy phạm pháp luật về cơ yếu còn bộc llộ một số bất cập. Một số văn bản luật như: Luật Công an, Luật An ninh Quốc gia, Pháp lệnh Tình báo, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin ... có một số quy định liên quan đến hoạt động mật mã nhưng chưa thực sự đầy đủ và cụ thể. Tình hình này đòi hỏi phải hoàn thiện khung pháp luật về cơ yếu, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, khắc phục những hạn chế của các văn bản pháp luật hiện hành, tạo điều kiện cho Ngành cơ yếu phát triển.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, nguy cơ mất an toàn và lộ lọt thông tin bí mật quốc gia tăng cao, các thế lực thù địch tìm mọi cách tiến hành các hoạt động gián điệp, thực hiện âm mưu thu tin, mã thám, mua chuộc, cài cắm, móc nối để lấy cắp bí mật quốc gia của Việt Nam, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, các hình thức, phương tiện lưu giữ, truyền tải thông tin và nhu cầu sử dụng thông tin ở các cơ quan Đảng và Nhà nước ngày càng tăng, do đó hoạt động cơ yếu và yêu cầu phát triển công tác cơ yếu đòi hỏi cần phải được củng cố và kiện toàn một cách sâu rộng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác cơ yếu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ cấp thiết của cả hệ thống chính trị.
Từ thực tế đó đòi hỏi phải xây dựng và ban hành Luật Cơ yếu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức, triển khai, sử dụng cơ yếu, quản lý hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin; bảo đảm quốc phòng và an ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việc soạn thảo Dự án Luật Cơ yếu đã quán triệt những quan điểm chỉ đạo và yêu cầu sau đây:
1. Thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động cơ yếu để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
2. Khẳng định hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; Cơ yếu Việt Nam được tổ chức thống nhất, chặt chẽ về mọi mặt, có chế độ công tác nghiêm ngặt.
3. Tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển ngành Cơ yếu chính quy, hiện đại, vững mạnh về mọi mặt, đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ mới do Đảng và Nhà nước giao.
4. Các quy định trong Luật Cơ yếu phải bảo đảm tính kế thừa và phát huy thành tựu gần 70 năm xây dựng và phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam. Các nội dung của Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước đã ban hành, tổng kết thực tiễn hoạt động, xây dựng tổ chức cơ yếu trong thời gian qua.
5. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời thể hiện rõ tính đặc thù về tổ chức và hoạt động của cơ yếu; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trong khu vực và trên thế giới; đáp ứng yêu cầu mở cửa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin.
Luật cơ yếu gồm 5 chương với 38 điều
Chương I: Những quy định chung
Chương này gồm 11 điều (từ Điều 1 đến Điều 11), quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ và một số vấn đề có tính nguyên tắc chung như: chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển lực lượng cơ yếu; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng cơ yếu; trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu; trách nhiệm giúp đỡ lực lượng cơ yếu; bảo vệ bí mật sản phẩm mật mã, thông tin trong hoạt động cơ yếu; mã hoá thông tin bí mật nhà nước; kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động cơ yếu và các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương II: Hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước
Chương này gồm 8 điều (từ Điều 12 đến Điều 19), quy định về hoạt động khoa học và công nghệ mật mã, chuyển giao công nghệ mật mã; sản xuất và cung cấp sản phẩm mật mã; nhập khẩu trang thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mật mã; quy chuẩn kỹ thuật, kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã; quản lý, sử dụng sản phẩm mật mã; triển khai, giải thể mạng liên lạc cơ yếu; triển khai sản phẩm mật mã bảo vệ thông tin bí mật nhà nước lưu giữ trong các thiết bị điện tử, tin học và trên mạng viễn thông; bảo đảm an toàn mật mã trong trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm.
Chương III: Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của lực lượng cơ yếu
Chương này gồm 3 điều (từ Điều 20 đến Điều 22), quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu; nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ; tổ chức lực lượng cơ yếu.
Chương IV: Người làm việc trong tổ chức cơ yếu và chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu
Chương này gồm 14 điều (từ Điều 23 đến Điều 36), quy định về người làm việc trong tổ chức cơ yếu; nghĩa vụ, trách nhiệm, tuyển chọn, tiêu chuẩn, hạn tuổi phục vụ, biệt phái người làm công tác cơ yếu; thời hạn không được tham gia hoạt động mật mã; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu cơ yếu và chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc; bảo đảm điều kiện hoạt động cho người làm công tác cơ yếu.
Chương V: Điều khoản thi hành
Chương này gồm 2 điều (từ Điều 37 và Điều 38), quy định hiệu lực thi hành của Luật (Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2012) và giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật này.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh