2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Ngày 7-12-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký lệnh số 14/2011/L-CTN công bố Luật Cơ yếu số 05/2011/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 26-11-2011. Luật này có 05 chương với 38 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2012. Với những nội dung cơ bản sau đây:
Do đặc điểm phát triển của công nghệ thông tin, phạm vi bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin của cơ yếu ngày càng đa dạng, trong Luật cơ yếu, một số từ ngữ đã được hiểu theo nghĩa rộng hơn cho phù hợp với bản chất kỹ thuật và thực tiễn hoạt động của lực lượng cơ yếu:
Trong Pháp lệnh cơ yếu Mạng liên lạc cơ yếu được hiểu là mạng liên lạc mật mã có người làm công tác cơ yếu sử dụng, nhưng ngày nay do khoa học công nghệ phát triển, nhất là công nghệ thông tin, viễn thông phát triển mạnh, yêu cầu bảo đảm an toàn, bảo mật và bảo đảm tính xác thực của thông tin trên các hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông là rất quan trọng. Thực tế đó đòi hỏi Ngành cơ yếu phải trang bị các sản phẩm mật mã để bảo đảm bảo mật, tính xác thực, tính toàn vẹn nội dung thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông, do đó cụm từ “mạng liên lạc cơ yếu” và “mật mã” trong Luật Cơ yếu hiểu theo nghĩa rộng hơn:
Mạng liên lạc cơ yếu là mạng liên lạc có sử dụng sản phẩm mật mã do tổ chức cơ yếu cung cấp và trực tiếp quản lý để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
Mật mã là những quy tắc, quy ước riêng dùng để thay đổi hình thức biểu hiện thông tin nhằm bảo đảm bí mật, xác thực, toàn vẹn của nội dung thông tin.
Thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động cơ yếu, bảo đảm tính kế thừa và phát huy thành tựu gần 70 năm xây dựng và phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam. Luật Cơ yếu xác định: “hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, sử dụng nghiệp vụ mật mã, kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước”, “đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.”
Đây là quan điểm vô cùng quan trọng và nền tảng chi phối toàn bộ nội dung của Luật Cơ yếu, khẳng định được tính chất hoạt động của Ngành cơ yếu – một công cụ quan trọng góp phần bảo vệ lợi ích của Đảng, Nhà nước, sự sống còn của chế độ.
Chương I của Luật Cơ yếu, xuất phát từ tính chất nêu trên của họat động Cơ yếu, xác định Chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển lực lượng cơ yếu (Điều 4); Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng cơ yếu (Điều 5), quản lý nhà nước về cơ yếu (Điều 6). Tư tưởng xuyên suốt là xây dựng lực lượng cơ yếu chính quy, hiện đại dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng quan hệ hợp tác trên nguyên tắc bảo đảm tính độc lập, tự chủ và chủ quyền lợi ích của quốc gia. Nguyên tắc bất di bất dịch của tổ chức và hoạt động cơ yếu là đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu. Đồng thời Luật quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu và trực tiếp chỉ đạo họat động của Ban Cơ yếu Chính phủ - cơ quan mật mã quốc gia.
Mặc dù là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định hành chính, nhưng do tính chất đặc thù của công tác cơ yếu, Luật chỉ rõ Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã Quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu. Điều đó cho thấy yêu cầu của việc thống nhất quản lý mật mã trên mọi phương diện (nghiên cứu, sản xuất, triển khai và sử dụng) để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước của quốc gia, không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Tên gọi Ban Cơ yếu Chính phủ - một tổ chức trực thuộc Bộ quốc phòng, đã cho thấy tính chất đặc thù này của một tổ chức mà trước đây trực thuộc Chính phủ, nay do yêu cầu của cải cách hành chính về tổ chức Bộ đa ngành, nên cần phải có một cơ chế riêng để không làm ảnh hưởng hoạt động quản lý ngành trên phạm vi rộng của một cơ quan trực thuộc Bộ. Điều 6 của Luật Cơ yếu được các cơ quan chức năng của Quốc hội và Quốc hội thảo luận rất kỹ để bảo đảm tính chất độc lập tương đối của Ban Cơ yếu Chính phủ trong bộ máy hành chính của Bộ quốc phòng. Điều 6, Trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu, đã xác định 6 nội dung rất cơ bản:
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Cơ yếu Chính phủ.
3. Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu.
4. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện quản lý về cơ yếu thuộc phạm vi mình phụ trách.
5. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của minh phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu.
6. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu theo sự phân cấp của Chính phủ.
Vì vậy, bên cạnh những điều luật quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước, nhiều điều luật cũng quy định nhiệm vụ cụ thể của Ban Cơ yếu Chính phủ trong quản lý chuyên ngành về cơ yếu như : thống nhất quản lý họat động nghiên cứu khoa học công nghệ mật mã, việc sản xuất, cung cấp và quản lý các sản phẩm mật mã (Điều 13), triển khai, giải thể mạng liên lạc cơ yếu (Điều 17) v.v...
Chương II của Luật Cơ yếu quy định các họat động đặc thù của Cơ yếu trên các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, triển khai, quản lý chỉ đạo sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước. Đây là những điều luật khung để Chính phủ quy định cụ thể các quy trình nghiệp vụ phải tuân thủ để bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt mọi hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bộ máy. Nguyên tắc cơ bản của các điều luật thể hiện trong chương này là :
- Nhà nước thống nhất quản lý và tổ chức họat động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mật mã để bảo vệ thông tin bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật bảo vệ bộ máy nhà nước (Điều 12);
- Nhà nước độc quyền sản xuất và cung cấp sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bộ máy nhà nước, mà Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan được giao quyền thống nhất quản lý hoạt động này (Điều 13);
- Triển khai sản phẩm mật mã, xây dựng mạng liên lạc cơ yếu, quản lý sử dụng sản phẩm mật mã phải bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ, nghiêm ngặt trên cơ sở xác định nhiệm vụ của hai chủ thể tham gia là cơ quan và người làm cơ yếu với cơ quan và người sử dụng cơ yếu (Điều 16, Điều 17, Điều 18 và Điều 19);
Thông thường các luật chuyên ngành không quy định cụ thể những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan, nhưng do tính chất đặc thù của Luật Cơ yếu, Quốc hội đã cho phép xác định ngay trong Luật những vấn đề rất cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của lực lượng cơ yếu nói chung và Ban Cơ yếu Chính phủ nói riêng.
Điều 20 của Luật xác định “lực lượng cơ yếu là một trong những lực lượng chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước, có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu, thực hiện hoạt động cơ yếu; góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống; chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh với các hoạt động thám mã gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Đây là điều luật hết sức quan trọng xác định rõ vị trí, chức năng nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu thể hiện sự độc lập tương đối của công tác cơ yếu trong cơ chế tổ chức Bộ Quốc phòng. Mặc dù Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Quốc phòng, nhưng lực lượng cơ yếu bao gồm ở các Bộ, ngành, địa phương. Do đó nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ được xác định tại Điều 21 thể hiện tính chất đặc thù riêng, trong đó quy định : Tham mưu đề xuất và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, triển khai, kiểm tra, thanh tra các họat động cơ yếu trong phạm vi cả nước; tổ chức nghiên cứu và thống nhất quản lý nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mật mã để bảo vệ thông tin bộ máy nhà nước, là đơn vị đầu mối kế hoạch đầu tư và ngân sách trực thuộc trung ương, thống nhất quản lý và bảo đảm chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật mật mã cho họat động cơ yếu trong phạm vi cả nước, hợp tác quốc tế về cơ yếu v.v...
Về tổ chức của lực lượng cơ yếu, Luật quy định cơ quan cơ yếu ở Trung ương là Ban Cơ yếu Chính phủ; cơ yếu các Bộ, ngành gồm: Hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân, Hệ thống tổ chức cơ yếu Công an nhân dân, Hệ thống tổ chức cơ yếu Ngoại giao, Hệ thống tổ chức cơ yếu trong cơ quan của Đảng, cơ quan khác của Nhà nước ở trung ương và địa phương. Tổ chức cơ yếu thuộc cơ yếu các bộ, ngành là đầu mối độc lập đặt dưới sự lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng cơ yếu và sự quản lý về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức cơ yếu cấp trên; việc thành lập, giải thể các tổ chức cơ yếu và cơ cấu tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ do Chính phủ quy định. (Điều 22)
Để phù hợp với tính chất đặc thù về tổ chức và tính chất công việc, đảm bảo thực hiện chế độ công tác nghiêm ngặt, thống nhất, chặt chẽ và các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với từng đối tượng trong tổ chức cơ yếu; theo đó, người làm việc trong tổ chức bao gồm 03 đối tượng (Điều 23):
- Người làm công tác cơ yếu là những người được điều động, biệt phái, bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu;
- Người được tuyển chọn để đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu;
- Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
Từ Điều 24 đến Điều 30 xác định nghĩa vụ, trách nhiệm, điều kiện, tiêu chuẩn và những tính chất ràng buộc mà người làm việc trong tổ chức cơ yếu phải có nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ, thực hiện. Đó là các vấn đề về lai lịch chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, hạn tuổi phục vụ, cũng như việc bảo đảm không hoạt động cơ yếu sau khi nghỉ hưu, chuyển ngành, chuyển công tác khác hay thôi việc vì bất ký lý do gì. Điều quan trọng bắt buộc là người làm công tác trong tổ chức cơ yếu phải được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu theo từng mức độ khác nhau tùy theo yêu cầu nhiệm vụ.
Chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu được quy định từ Điều 31 đến Điều 36 và được phân thành các nhóm – người làm công tác cơ yếu, người làm các công việc khác trong tổ chức cơ yếu và học viên cơ yếu. Đặc biệt, Luật cũng chỉ rõ từng loại đối tượng hoạt động ở các phạm vi khác nhau: trong quân đội, công an, hay trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. Mỗi nhóm có những chính sách đặc thù riêng nhằm tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên cơ yếu yên tâm, ổn định với công việc và đồng thời thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng vào làm việc trong tổ chức cơ yếu. Chế độ chính sách được Luật xác định thống nhất chung như chế độ chính sách đối với quân nhân, đồng thời cán bộ, nhân viên cơ yếu được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ cơ mật mật mã.
Theo đó, Luật Cơ yếu đã quy định:
+ Người làm việc trong tổ chức cơ yếu là quân nhân, Công an nhân dân được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp, các chế độ, chính sách khác theo quy định đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (khoản 1, Điều 31 và khoản 1 Điều 33).
+ Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp, các chế độ, chính sách khác như đối với quân nhân và được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ (khoản 2, Điều 31).
+ Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp, các chế độ, chính sách như đối với công nhân, viên chức quốc phòng trong Quân đội nhân dân và được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ (khoản 2, Điều 33)
+ Người được tuyển chọn để đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu được hưởng các chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường Quân đội, Công an (Điều 32).
Ngoài ra, Luật Cơ yếu quy định người làm việc trong tổ chức cơ yếu được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù của ngành cơ yếu và chế độ phụ cấp trách nhiệm bảo vệ cơ mật mật mã (khoản 3, Điều 31, Điều 34); chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc (Điều 35)
Khung chính sách được Luật quy định, nhưng nội dung cụ thể cho từng đối tượng thì Chính phủ sẽ quy định bằng các Nghị định về chế độ chính sách phù hợp.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh