Thẩm quyền của Công an nhân dân trong việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:53 (GMT+7)

Bài viết trình bày về thẩm quyền của đơn vị Công an nhân dân trong việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc (Căn cứ theo Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 ngày 15 tháng 11 năm 2018).

Sao tài liệu bí mật nhà nước là việc chép lại hoặc tạo ra bản khác theo đúng nội dung bản gốc hoặc bản chính của tài liệu. Chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước là việc ghi lại bằng hình ảnh tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. (Căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước).

Vậy trong công an nhân dân, chủ thể nào có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước?

Thẩm quyền của Công an nhân dân về việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

Căn cứ theo Điều 4 của Thông tư số 38/2020/TT-BCA ngày 17 tháng 04 năm 2020 quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân (gọi tắt là Thông tư 38/2020/TT-BCA quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân) thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong Công an nhân dân được phân theo độ mật của tài liệu, vật chứa như sau:

a. Thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật

Căn cứ Khoản 1 Điều 4 của Thông tư số 38/2020/TT-BCA ngày 17 tháng 04 năm 2020 quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân, người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật gồm:

+ Bộ trưởng Bộ Công an;

+ Cục trưởng, Viện trưởng, Tư lệnh của đơn vị trực thuộc Bộ; Chánh Văn phòng Bộ Công an, Chánh Thanh tra Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra;

+ Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Giám đốc Học viện Quốc tế; Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân;

+ Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

b. Thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật, Mật

Căn cứ Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 38/2020/TT-BCA ngày 17 tháng 04 năm 2020 quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân, người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật, Mật gồm:

+ Bộ trưởng Bộ Công an;

+ Cục trưởng, Viện trưởng, Tư lệnh của đơn vị trực thuộc Bộ; Chánh Văn phòng Bộ Công an, Chánh Thanh tra Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra;

+ Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Giám đốc Học viện Quốc tế; Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân;

+ Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

+ Hiệu trưởng các trường Công an nhân dân (trừ Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Giám đốc Học viện Quốc tế; Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân).

+ Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an;

+ Trưởng phòng và tương đương; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Trung đoàn trưởng.

Ủy quyền thẩm quyền của Công an nhân dân về việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

Căn cứ Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 38/2020/TT-BCA ngày 17 tháng 04 năm 2020 quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân, việc ủy quyền thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được quy định như sau:

+ Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật (quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 38/2020/TT-BCA quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân), độ Tối mật, Mật (quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 4 Thông tư 38/2020/TT-BCA quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân) có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

+ Việc ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện thường xuyên hoặc theo từng trường hợp cụ thể và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.

+ Cấp phó được ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định cho phép sao, chụp của mình trước cấp trưởng, trước pháp luật và không được ủy quyền tiếp cho người khác.

Quy trình thực hiện việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

Căn cứ Khoản 4 Điều 4 của Thông tư 38/2020/TT-BCA quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân, việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện như sau:

+ Sau khi được người có thẩm quyền cho phép, người được giao nhiệm vụ tiến hành việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước;

+ Bản sao tài liệu bí mật nhà nước đóng dấu “bản sao số” ở trang đầu và dấu “bản sao bí mật nhà nước” ở trang cuối của tài liệu sau khi sao, trong đó phải thể hiện số thứ tự bản sao, hình thức sao y bản chính hoặc sao lục, thời gian, số lượng, nơi nhận, thẩm quyền cho phép sao và con dấu của cơ quan, tổ chức (nếu có);

+ Bản trích sao tài liệu bí mật nhà nước phải thực hiện theo mẫu “trích sao”, trong đó thể hiện đầy đủ nội dung trích sao, thời gian, số lượng, nơi nhận, thẩm quyền cho phép sao và con dấu của cơ quan, tổ chức (nếu có);

+ Bản chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải có “văn bản ghi nhận việc chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước”, trong đó phải thể hiện tên, loại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, độ mật, thời gian, số lượng, nơi nhận, người thực hiện chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, thẩm quyền cho phép chụp và con dấu của cơ quan, tổ chức (nếu có);

+ Việc sao, chụp phải ghi nhận vào “Sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước” để quản lý và theo dõi.

+ Việc sao, chụp điện mật thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

Mẫu dấu sao, chụp; mẫu văn bản ghi nhận việc chụp bí mật nhà nước; mẫu sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày quy định về thẩm quyền của Công an nhân dân về việc cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư