Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp được quy định như thế nào trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:12 (GMT+7)

Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới.

Bình đẳng giới là vấn đề quan trọng đối với sự phát triển chung của xã hội. Chính vì vậy, pháp luật quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới. Trong đó có trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp.

Khái quát chung

Giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội.

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Uỷ ban nhân dân là cơ quan do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Uỳ ban nhân dân bao gồm các cấp: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Uỷ ban nhân dân cấp thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã; Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.

Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới.

Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới được hướng dẫn cụ thể tại Điều 5,6,7 Chương 2 Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 06 năm 2008 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bình đẳng giới.

Căn cứ theo Điều 28 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp như sau:

Thứ nhất: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới tại địa phương.

Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm xây dựng, triển khai thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới tại địa phương theo thẩm quyền của mình. Đảm bảo bình đẳng giới ở địa phương được thực hiện có hiệu quả, đúng mục đích đề ra.

Thứ hai: Trình Hội đồng nhân dân ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới theo thẩm quyền.

Hội đồng nhân dân là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương từ cấp xã tới cấp tỉnh, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và thực hiện nghị quyết của hội đồng nhân dân.

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định theo pháp luật. Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền theo quy định ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Thứ ba: Tổ chức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới ở địa phương.

Thực hiện pháp luật là hành vi của chủ thể( hành động hoặc không hành động) được tiến hành phù hợp với quy định, với yêu cầu của pháp luật, tức là không trái, không vượt quá khuôn khổ mà pháp luật đã quy định.

Thứ tư: Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới.

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật do chủ thể có năng lực hành vi thực hiện, có lỗi và xâm hại đến quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ.

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ năm: Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho nhân dân địa phương.

Trách nhiệm này nhằm nâng cao nhận thức về giới và pháp luật về bình đẳng giới của nhân dân, tạo tiền đề để thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Bình đẳng giới.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư