Phạm vi và các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp hành nghề Luật sư ?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:54 (GMT+7)

Bài viết trình bày về phạm vi và các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp hành nghề Luật sư

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Theo Luật Luật sư, công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ đại học luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.

Luật Luật sư quy định người muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư. Quy định này nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp của nghề luật sư, phòng ngừa tình trạng những người không có đủ tiêu chuẩn, điều kiện vẫn thực hiện dịch vụ pháp lý như luật sư, góp phần bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức và xã hội, tăng cường quản lý về hành nghề luật sư.

Nguyên tắc hành nghề luật sư là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; Tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

Vậy, pháp luật quy định về phạm vi và các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp hành nghề Luật sư như thế nào ?

Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là những quy tắc xử sự được thể hiện dưới hình thức văn bản chứa đựng những quy phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp do Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành để điều chỉnh hành vi của các thành viên Liên đoàn luật sư Việt Nam trong quan hệ với các chủ thể có liên quan khi hoạt động nghề nghiệp và trong giao tiếp xã hội.

- Khái niệm đạo đức bao giờ cũng được thể hiện trong mối quan hệ giữa người với người. Đạo đức nghề nghiệp luật sư chính là tổng hợp các mối quan hệ giữa luật sư với các chủ thể có liên quan trong hoạt động nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội khác khi luật sư tham gia trong sinh hoạt xã hội. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư bao gồm các quy phạm mang tính chất tùy nghi để luật sư có thể lựa chọn trong ứng xử hoặc mang tính chất cấm đoán, bắt buộc luật sư phải nghiêm chỉnh thi hành.

- Quy tắc có những quy tắc chung mang tính chất là những nghĩa vụ đạo đức cơ bản của luật sư và các quy tắc cụ thể điều chỉnh hành vi của luật sư khi tham gia các nhóm quan hệ xã hội trong hành nghề gồm : quan hệ với khách hàng; quan hệ với đồng nghiệp; quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác. Việc điều chỉnh về mặt đạo đức các nhóm quan hệ này chính là những yếu tố cấu thành nội dung cơ bản của Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

- Dựa trên cơ sở đặc thù nghề nghiệp luật sư, bộ Quy tắc đã xác định các tiêu chuẩn sau đây:

* Các tiêu chuẩn chung về mặt đạo đức nghề nghiệp luật sư :

Các tiêu chuẩn này liên quan đến chức năng xã hội của luật sư, với sứ mệnh cao cả là bảo vệ công lý, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tuân thủ và trung thành với Hiến pháp, pháp luật; độc lập, ngay thẳng, tôn trọng sự thật và góp phần vào việc phát triển hệ thống pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động công ích.

* Các tiêu chuẩn đạo đức trong quan hệ với khách hàng :

Đây là các tiêu chuẩn quan trọng nhất trong Bộ quy tắc. Bởi vì mối quan hệ với khách hàng chính là “lửa thử vàng” đối với cá nhân luật sư. Uy tín, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp luật sư, sự tiêu cực/hay không tiêu cực của luật sư đều xuất phát từ nền tảng quan hệ này và tác dụng của nó có ý nghĩa chi phối các hành vi ứng xử khác trong “tổng hòa các quan hệ xã hội” của luật sư. Các tiêu chuẩn này liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng; Bao gồm việc tận tâm thực hiện hết khả năng và trách nhiệm với khách hàng trong khuôn khổ pháp luật cho phép và phạm trù đạo đức nghề nghiệp; tuân thủ bí mật quốc gia và bí mật của khách hàng; ngăn ngừa các thủ đoạn hành nghề không lương thiện, tự giác thực hiện các nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích, việc nhận thù lao, v.v..

* Các tiêu chuẩn đạo đức trong mối quan hệ với đồng nghiệp luật sư :

Pháp luật về luật sư có rất ít quy phạm điều chỉnh mối quan hệ này. Bởi vì quan hệ đồng nghiệp, về thực chất là những quan hệ đạo đức, trong đó chủ yếu là thái độ ứng xử với nhau trong giới luật sư. Tiêu chuẩn này đòi hỏi mỗi luật sư phải coi uy tín của đồng nghiệp và uy tín của giới là uy tín của chính mình. Điều mình không muốn thì không được làm với đồng nghiệp.

* Các tiêu chuẩn đạo đức trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội…

Thực ra, điều chỉnh mối quan hệ này, pháp luật đã có các quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với chủ thể - luật sư, với tư cách “Người tham gia tố tụng” hoặc tư cách chủ thể khác tương ứng. Các tiêu chuẩn đạo đức trong phạm vi quan hệ này có ý nghĩa bổ trợ cho thái độ ứng xử của cá nhân luật sư.

* Các tiêu chuẩn về kỷ luật nghề nghiệp luật sư :

Các tiêu chuẩn này chính là những điều cấm (không được làm) đối với luật sư khi hành nghề. Luật sư sẽ phải chịu các chế tài kỷ luật đối với các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư. Áp dụng các biện pháp chế tài này đòi hỏi phải quy phạm hóa các tiêu chuẩn kỷ luật – thuộc chức năng tự quản nghề nghiệp của Liên đoàn theo Điều lệ, làm căn cứ cho việc xử lý kỷ luật đối với từng cá nhân luật sư.

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư