Quy định về tổ chức hành nghề luật sư bằng hình thức văn phòng luật sư ?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:55 (GMT+7)

Bài viết trình bày Quy định về tổ chức hành nghề luật sư bằng hình thức văn phòng luật sư

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).

Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Các hình thức hành nghề luật sư

Căn cứ theo Điều 32 của Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư số 20/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 (gọi tắt là Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012), quy định Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:

a) Văn phòng luật sư;

b) Công ty luật.

Tổ chức hành nghề luật sư được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Luật sư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Do đó, có thể thấy tổ chức hành nghề luật sư ở Việt Nam bao gồm 2 loại hình: Văn phòng luật sư và Công ty luật. So với doanh nghiệp được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp, Văn phòng luật sư có địa vị pháp lý giống như loại hình doanh nghiệp tư nhân; Công ty luật gồm Công ty luật trách nhiệm hữu hạn và Công ty luật hợp danh; Công ty luật trách nhiệm hữu hạn có loại hình Công ty luật trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên và Công ty luật trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên. Trong các loại hình tổ chức hành nghề luật sư thì Văn phòng luật sư và Công ty luật hợp danh có chế độ trách nhiệm vô hạn về tài sản. Các tổ chức hành nghề luật sư còn lại có chế độ trách nhiệm hữu hạn về tài sản.

Như vậy, tổ chức hành nghề luật sư là tổ chức kinh tế có tên gọi, có tài sản riêng, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Luật sư nhằm mục đích thực hiện hoạt động cung cấp các loại dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi là khách hàng) theo quy định của pháp luật và đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư.

Tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư là Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên. Công ty luật do luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty.

Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.

Văn phòng luật sư

Căn cứ theo Điều 33 của Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư số 20/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 (gọi tắt là Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012), quy định về văn phòng luật sư như sau:

“1. Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng.

2. Tên của văn phòng luật sư do luật sư lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “văn phòng luật sư”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

3. Văn phòng luật sư có con dấu, tài khoản theo quy định của pháp luật.”

Từ quy định trên, có thể thấy Văn phòng luật sư là tổ chức hành nghề luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng.

Tên của Văn phòng luật sư do luật sư lựa chọn và theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “văn phòng luật sư”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Văn phòng luật sư có con dấu, tài khoản theo quy định của pháp luật. Do việc thành lập đơn giản, quy mô gọn nhẹ nên hình thức Văn phòng luật sư thời gian đầu khi Luật Luật sư 2006 mới có hiệu lực đã thu hút được đông đảo luật sự lựa chọn thành lập. Tuy nhiên, đây là loại hình tổ chức hành nghề luật sự có chế độ trách nhiệm vô hạn về tài sản đối với các khoản nợ của Văn phòng. Trong khi nghề luật sư là nghề có rủi ro cao, nên để tránh trách nhiệm lớn xảy ra trong hành nghề có thể ảnh hưởng đến gia đình và các bên liên quan khác, khi Luật Luật sư được sửa đổi, bổ sung 2012 có quy định hình thức tổ chức hành nghề luật sư mới, một số Văn phòng luật sư đã chuyển đổi thành Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc Công ty luật có hai thành viên trở lên.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư