Giải quyết tranh chấp trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính như thế nào ?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:33 (GMT+7)

Bài viết trình bày quy định về việc Giải quyết tranh chấp trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

Hoạt động bưu chính gồm các hoạt động đầu tư, kinh doanh, cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ bưu chính công ích, tem bưu chính.

Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử.

Cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là thoả thuận giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi, theo đó doanh nghiệp chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi đến địa điểm theo yêu cầu của người gửi và người gửi phải thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính.

Vậy, khi xảy ra tranh chấp trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính thì giải quyết như thế nào ?

Khiếu nại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

Căn cứ theo Điều 38 của Luật Bưu chính năm 2010, Luật quy định về việc khiếu nại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính như sau:

- Người sử dụng dịch vụ bưu chính, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có quyền khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

- Việc khiếu nại phải được lập thành văn bản. Thời hiệu khiếu nại được quy định như sau:

a) 06 tháng, kể từ ngày kết thúc thời gian toàn trình của bưu gửi đối với khiếu nại về việc mất bưu gửi, chuyển phát bưu gửi chậm so với thời gian toàn trình đã công bố; trường hợp doanh nghiệp không công bố thời gian toàn trình thì thời hiệu này được tính từ ngày sau ngày bưu gửi đó được chấp nhận;

b) 01 tháng, kể từ ngày bưu gửi được phát cho người nhận đối với khiếu nại về việc bưu gửi bị suy suyển, hư hỏng, về giá cước và các nội dung khác có liên quan trực tiếp đến bưu gửi.

- Thời hạn giải quyết khiếu nại được quy định như sau:

a) Không quá 02 tháng, kể từ ngày nhận được khiếu nại đối với dịch vụ bưu chính trong nước;

b) Không quá 03 tháng, kể từ ngày nhận được khiếu nại đối với dịch vụ bưu chính quốc tế.

- Trong thời hạn giải quyết khiếu nại, bên nhận khiếu nại phải giải quyết khiếu nại và thông báo cho bên khiếu nại biết; trường hợp quá thời hạn mà bên khiếu nại không nhận được thông báo trả lời hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của bên nhận khiếu nại thì có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp.

- Trường hợp việc khiếu nại không được thực hiện trong thời hạn quy định thì việc yêu cầu giải quyết tranh chấp không có giá trị.

Giải quyết tranh chấp trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

Căn cứ theo Điều 39 của Luật Bưu chính năm 2010, Luật quy định việc giải quyết tranh chấp trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính được thực hiện thông qua các hình thức sau đây:

a) Thương lượng giữa các bên;

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông dụng và phổ biến nhất được các bên tranh chấp áp dụng rộng rãi để giải quyết mọi tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, nhất là trong hoạt động thương mại. Phương thức giải quyết tranh chấp này thường được giới thương nhân lựa chọn mỗi khi có tranh chấp phát sinh, bởi sự đơn giản của phương thức thực hiện, ít tốn kém, lại không bị ràng buộc bởi những thủ tục pháp lý phức tạp, uy tín cũng như bí mật trong kinh doanh được bảo đảm tối đa và mức độ phương hại đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên cũng thấp, thậm chí còn tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau sau khi thương lượng thành công.

Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế, theo đó các bên tự bàn bạc để thống nhất cách thức loại trừ tranh chấp mà không cần tới sự tác động hay giúp đỡ của người thứ ba

b) Hoà giải;

Hoà giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hoà giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ hanh chấp đã phát sinh.

Việc giải quyết hanh chấp thương mại bằng hoà giải đã có sự hiện diện của bên thứ ba (do các bên tranh chấp lựa chọn) làm trung gian để trợ giúp các bên tìm kiếm giải pháp tối ưu nhằm loại trừ tranh chấp.

Quá trình hoà giải các bên tranh chấp không chịu sự chi phối bởi các quy định có tính khuôn mẫu, bắt buộc của pháp luật về thủ tục hoà giải. Cũng giống như thương lượng, pháp luật hiện hành của Việt Nam không có quy định nào ràng buộc, chi phối đến cơ chế hoà giải ngoài các quy định có tính chất ghi nhận thương lượng, hoà giải là những phương thức giải quyết tranh chấp được các bên tranh chấp ưu tiên lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh.

Kết quả hoà giải thành được thực thi cũng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp mà không có bất kì cơ chế pháp lý nào bảo đảm thi hành những cam kết của các bên trong quá trình hoà giải. Đây là điểm giống hình thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng vì xét về bản chất việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng hoà giải thực chất vẫn được thực hiện bởi cơ chế tự giải quyết và hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện của các bên tranh chấp. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt hoà giải với sự tham gia của bên thứ ba được các bên lựa chọn (hoà giải ngoài tố tụng ) và hoà giải được tiến hành tại toà án hay trọng tài (hoà giải trong tố tụng).

c) Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.

- Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do các đương sự thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp thương mại. Trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức, đó là trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế.

- Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước, được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ và bản án hay quyết định của tòa án về vụ tranh chấp nếu không có sự tự nguyện tuân thủ sẽ được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước…

Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án là một phương thức mang ý chí quyền lực nhà nước. Tòa án nhân danh quyền lực nhà nước để giải quyết tranh chấp trên cơ sở các quy định của pháp luật. Quyết định của tòa án có hiệu lực khiến các bên bắt buộc phải thực thi; và có thể kèm theo các biện pháp cưỡng chế thi hành. Bản chất đó được thể hiện thông qua các đặc điểm sau:

+ Tòa án nhân dân cho Nhà nước, thực thi và áp dụng pháp luật, xử lý mọi trường hợp vi phạm theo luật định. Vì vậy, Tòa án có tính cưỡng chế cao.

+ Việc giải quyết tranh chấp của tòa án phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mang tính hình thức cũng như các quy định về thẩm quyền, thủ tục, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại của pháp luật tố tụng nhất là các quy định của bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

+ Tòa án giải quyết tranh chấp không áp dụng hình thức xử kín như hòa giải, trọng tài,…mà theo nguyên tắc xét xử công khai.

+ Việc giải quyết tranh chấp tại tòa án có thể thực hiện qua hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm, bản án có hiệu lực pháp luật còn có thể được xét lại theo thủ tục: giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

+ Tòa án giải quyết theo nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

Việc giải quyết tranh chấp trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính tại Trọng tài hoặc Toà án được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày quy định về việc giải quyết tranh chấp trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư