Đối tượng nào được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:55 (GMT+7)

Bài viết trình bày về các đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng

Trợ giúp xã hội được hiểu là sự giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn mà bản thân họ không tự khắc phục được. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là một trong các hình thức trợ giúp xã hội. Điều 18, Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về 02 nhóm đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng bao gồm: 

Nhóm 1: Các đối tượng được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng

Đối tượng thuộc diện được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại cộng đồng bao gồm:

- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP;

Đây là các trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội.

Xem thêm: 

Các đối tượng nào được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng? (P1)

Các đối tượng nào được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng? (P2)

Các đối tượng nào được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng? (P3)

- Đối tượng quy định tại điểm d khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP;

Các đối tượng này đó là người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

- Đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

Các đối tượng này là người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.

Khoản 1, Điều 2, Luật người khuyết tật năm 2010 quy định người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Trong đó, 

- Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

- Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

Nhóm 2: Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng

Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng bao gồm:

- Trẻ em có cả cha và mẹ bị chết, mất tích theo quy định của pháp luật mà không có người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người thân thích không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng;

Khoản 1, Điều 68, Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về việc tuyên bố một người mất tích như sau: Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

- Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục, thân thể; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động cần được bảo vệ khẩn cấp trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội. Trong đó,

+ Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. (Theo quy định tại khoản 2 Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2008).

+ Xâm hại tình dục là việc dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục.

+ Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ. (quy định tại Khoản 7, Điều 3, Bộ Luật lao động năm 2019)

- Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

- Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ví dụ: Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 1487/QĐ-UBND quyết định đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo Quyết định, đối tượng là người khuyết tật đặc biệt nặng dạng thần kinh, tâm thần có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thời gian nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng

Thời gian nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng là không quá 03 tháng. 

Trường hợp hết thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng mà hộ gia đình, cá nhân không nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển hộ gia đình, cá nhân khác nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời hoặc có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đưa đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội theo quy định.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư