Hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng, chi phí mai táng trong trường hợp trợ giúp xã hội khẩn cấp như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:55 (GMT+7)

Bài viết trình bày về việc hỗ trợ chi phí mai táng chi phí điều trị người bị thương nặng, chi phí mai táng trong trường hợp trợ giúp xã hội khẩn cấp

Trợ giúp xã hội được hiểu là sự giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn mà bản thân họ không tự khắc phục được. Hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng, hỗ trợ chi phí mai táng là một trong các trợ giúp xã hội khẩn cấp. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng, hỗ trợ chi phí mai táng trong trường hợp trợ giúp xã hội khẩn cấp. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

Hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng

Người bị thương nặng là người bị thương với chi phí điều trị rất tốn kém. Do vậy, trong một số trường hợp, nhà nước hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng. Điều 13, Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về việc hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng như sau: 

Các đối tượng mà mức hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng 

- Người bị thương nặng do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng hoặc do các lý do bất khả kháng khác tại nơi cư trú được xem xét hỗ trợ với mức tối thiểu bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP tức tối thiểu của mức hỗ trợ là 3.600.000 đồng/ tháng.

- Trường hợp người bị thương nặng ngoài nơi cư trú quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người thân thích chăm sóc thì cơ quan, tổ chức trực tiếp cấp cứu, chữa trị có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cấp cứu, chữa trị cho đối tượng quyết định hỗ trợ theo mức quy định tại khoản 1 Điều này.

Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

Trình tự xem xét, thực hiện việc hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng 

Trình tự xem xét hỗ trợ thực hiện tương tự như việc xem xét hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước được quy định tại Khoản 3, Điều 12, Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

Xem thêm: Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước như thế nào?

Hỗ trợ chi phí mai táng trong trường hợp trợ giúp xã hội khẩn cấp 

Theo Từ điển Tiếng Việt, mai táng là việc thực hiện lưu giữ hài cốt hoặc thi hài, tro cốt của người chết  ở một địa điểm dưới mặt đất. Với truyền thống và các thủ tục trong văn hoá của người Việt, việc mai táng tốn kém một khoản chi phí không nhỏ. Vì vậy, một số đối tượng sẽ được nhà nước hỗ trợ chi phí mai táng trong trường hợp khẩn cấp. Điều 14, Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về việc hỗ trợ chi phí mai táng trong trường hợp trợ giúp xã hội khẩn cấp như sau: 

Đối tượng và mức hỗ trợ chi phí mai táng trong trường hợp trợ giúp xã hội khẩn cấp 

- Hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí mai táng với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP tức khoảng 18 triệu đồng.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng cho người chết do không có người nhận trách nhiệm tổ chức mai táng thì được xem xét, hỗ trợ chi phí mai táng theo chi phí thực tế, tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP tức khoảng 18 triệu đồng.

Thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng trong trường hợp trợ giúp xã hội khẩn cấp 

Thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng trong trường hợp trợ giúp xã hội khẩn cấp thực hiện theo quy định sau đây:

- Cơ quan, tổ chức, gia đình hoặc cá nhân trực tiếp mai táng có Tờ khai đề nghị hỗ trợ chi phí mai táng theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP và giấy báo tử của đối tượng chết, , mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác hoặc xác nhận của công an cấp xã đối với trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng cho người chết do không có người nhận trách nhiệm tổ chức mai táng gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc sau khi nhận được đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. 

Trường hợp thiếu kinh phí thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, cụ thể: 

Nếu thiếu nguồn lực, Chủ tịch UBND cấp xã làm văn bản đề nghị trợ giúp gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

+ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính;

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Trường hợp thiếu nguồn lực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính;

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời gửi Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia;

+ Khi nhận được hỗ trợ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện ngay việc trợ giúp cho đối tượng bảo đảm đúng quy định. 

Luật Hoàng Anh 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư