2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công lần thứ tư, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của đất nước. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cần chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính ổn định của hệ thống nhưng cần tầm nhìn dài hạn; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển giáo dục nghề nghiệp đó là kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Vậy pháp luật hiện hành quy định thế nào về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp? Hãy cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên
Để việc kiểm định chất lượng có hiệu quả, trước hết cần xác định được mục tiêu của kiểm định chất lượng là gì. Vậy mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp là gì? Theo đó, khoản 1 Điều 65 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp;
- Xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục nghề nghiệp trong từng giai đoạn nhất định của cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Khoản 2 Điều 65 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về đối tượng của kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm:
- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
- Chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp
Để đảm bảo hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp được thực hiện một cách nghiêm túc, trung thực, đạt được đúng mục tiêu đề ra pháp luật hiện hành còn quy định cụ thể về nguyên tắc của kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Khoản 3 Điều 65 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định Việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Độc lập, khách quan, đúng pháp luật;
- Trung thực, công khai, minh bạch;
- Bình đẳng, định kỳ;
- Bắt buộc đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành hoặc nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo các ngành, nghề phục vụ yêu cầu công tác quản lý nhà nước.
Khoản 1,2 Điều 66 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định như sau:
- Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp có nhiệm vụ đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
- Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm:
+ Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp do Nhà nước thành lập;
+ Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp do tổ chức, cá nhân thành lập
Để đảm bảo chất lượng của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp khi thành lập có đề án bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Có cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính đáp ứng yêu cầu hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;
- Có đội ngũ cán bộ quản lý và kiểm định viên đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; được thu phí kiểm định theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp hiệu quả, cần có sự phối hợp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Và việc thực hiện kiểm định cũng phải thực hiện trên cơ sở tôn trọng, không xâm phạm đến lợi ích của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi vậy mà Điều 67 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm:
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
- Tổ chức tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo tiêu chuẩn, quy trình kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
- Cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
- Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Nộp phí kiểm định chất lượng cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
- Được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục nghề nghiệp.
- Được khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về các quyết định, kết luận, hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Vậy khi nào thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp được công nhận là đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp? Điều 68 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định như sau:
- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng nếu đạt yêu cầu thì được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Giấy chứng nhận có giá trị trong thời hạn 05 năm.
- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo không duy trì được chất lượng theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì bị thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Để đảm bảo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp vẫn tiếp tục phát huy, nâng cao chất lượng giáo dục, Điều 69 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ sở này như sau:
- Duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
- Hằng năm, báo cáo kết quả tự đánh giá với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
- Được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và được tham gia đấu thầu thực hiện chỉ tiêu giáo dục nghề nghiệp theo đơn đặt hàng của Nhà nước.
Việc thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp để dược công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên thực tế là căn cứ được sử dụng để:
- Đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
- Người học lựa chọn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp;
- Người sử dụng lao động tuyển dụng lao động;
- Nhà nước thực hiện đầu tư, đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh