Nghiệp vụ vận tải là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:59:54 (GMT+7)

Bài viết này trình bày quy định về Nghiệp vụ vận tải

 

Song song với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nhu cầu di chuyển của con người ngày càng mạnh mẽ, cả về lĩnh vực thương mại và giải trí. Theo đó, kinh doanh vận tải là ngành nghề đang được Nhà nước chú trọng đầu tư và phát triển, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải xin giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động.

Một trong những điều kiện quan trọng để đơn vị kinh doanh vận tải là các nhân viên cần phải được tập huấn nghiệp vụ vận tải, an toàn giao thông. Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày chi tiết nội dung về nghiệp vụ vận tải, an toàn giao thông.

Căn cứ pháp lý

Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Thông tư số 02/2021/BGTVT-TT ngày 04 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Đối tượng và thời điểm tập huấn

Theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thì đối tượng tập huấn bao gồm: người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.

Thời điểm tập huấn:

- Trước khi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải;

- Định kỳ không quá 03 năm, kể từ lần tập huấn trước đó.

Cán bộ tập huấn nghiệp vụ

- Giáo viên chuyên ngành vận tải của các trường từ trung cấp trở lên có đào tạo chuyên ngành vận tải đường bộ; người có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên;

- Người có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác và có kinh nghiệm tối thiểu 03 năm về quản lý, điều hành vận tải đường bộ.

Điều kiện tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông

Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và đáp ứng các yêu cầu sau:

- Đảm bảo đúng các nội dung theo quy định của Thông tư 12/2020/TT-BGTVT

- Trong quá trình tổ chức tập huấn đơn vị kinh doanh vận tải được phối hợp với đơn vị vận tải khác, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiệp hội vận tải ô tô địa phương, cơ sở đào tạo người lái xe ô tô, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, các trường đào tạo từ trung cấp trở lên (các trường có chuyên ngành vận tải) để tổ chức tập huấn cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe;

- Trước khi tổ chức tập huấn, đơn vị tổ chức tập huấn thông báo đến Sở Giao thông vận tải địa phương về kế hoạch tập huấn, địa điểm, danh sách cán bộ tập huấn và danh sách học viên tham dự tập huấn để kiểm tra, giám sát;

- Cấp Giấy chứng nhận đối với những người đã hoàn thành tập huấn theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này; lưu hồ sơ chương trình tập huấn và kết quả tập huấn tối thiểu trong 03 năm.

Sở Giao thông vận tải phải có trách nhiệm cử cán bộ giám sát trực tiếp hoặc giám sát thông qua camera theo dõi trực tuyến việc tập huấn của đơn vị tổ chức; Không công nhận kết quả đã tập huấn và yêu cầu đơn vị tổ chức tập huấn phải thực hiện tập huấn lại theo đúng quy định đối với các trường hợp đơn vị tổ chức tập huấn không thông báo đến Sở Giao thông vận tải theo quy định của pháp luật.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư