Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bảo hiểm xã hội là gì? (Phần 2)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:08 (GMT+7)

Bài viết giải thích về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bảo hiểm xã hội

Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bảo hiểm xã hội là gì? (Phần 1) đã giới thiệu về 02 hành vi liên quan đến bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động mà pháp luật về bảo hiểm xã hội nghiêm cấm. Sau đây Luật Hoàng Anh trình bày về hành vi tiếp theo bị nghiêm cấm liên quan đến bảo hiểm xã hội.

3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

3.1. Chủ thể thực hiện các hành vi chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Chủ thể thực hiện các hành vi này có thể là người sử dụng lao động, người làm công tác quản lý bảo hiểm xã hội, người có chức vụ, nhiệm vụ đối liên quan đến bảo hiểm xã hội, thậm chí cả người lao động.

3.2. Hành vi chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là các hành vi:

- Người sử dụng lao động chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội mà không đóng hoặc không đóng đủ bảo hiểm cho người lao động, hoặc chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động

- Cá nhân có chức vụ quản lý bảo hiểm xã hội chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động từ Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

- Người lao động sử dụng thông tin sai, giả mạo hồ sơ để hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

3.3. Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội

a. Đối với người sử dụng lao động

- Đối với bản thân hành vi chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp: Theo Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/03/2020 của Chính phủ, người sử dụng lao động bị xử lý vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền ở mức từ 18% đến 20% tổng số tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động mà người sử dụng lao động đã chiếm dụng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 Đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động. Đồng thời người sử dụng lao động còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, được quy định tại Khoản 7 Điều 40 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/03/2020 của Chính phủ, là buộc hoàn trả cho người lao động số tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã chiếm dụng của người lao động và lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

- Đối với hành vi đi kèm với hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của người lao động và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác bị xử lý vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động được xử lý theo Khoản 6 Điều 38 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/03/2020 của Chính phủ.

Xem thêm: Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bảo hiểm xã hội là gì? (Phần 1)

b. Đối với người có nhiệm vụ quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Người có nhiệm vụ quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động không bị xử lý vi phạm hành chính mà chỉ bị xử lý kỷ luật nếu chưa đến mức xử lý hình sự. Do hành vi của nhóm người này thuộc các hành vi quy định tại Điều 6 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/09/2020 của Chính phủ.

c. Đối với người lao động

Người lao động dùng thủ đoạn gian dối, gian lận, giả mạo hồ sơ để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội có thể bị xử lý vi phạm hành chính vì có hành vi gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác, giống như trường hợp của người sử dụng lao động.

3.4. Xử lý hình sự đối với hành vi chiếm dụng hành vi chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội

a. Người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động có nguy cơ chịu một trong các tội sau khi chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động:

- Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

- Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Xem thêm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì?)

- Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

b. Người có nhiệm vụ quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Người có nhiệm vụ quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có nguy cơ chịu một trong các tội sau khi chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động:

- Tội tham ô tài sản

- Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

c. Người lao động

Người lao động có nguy cơ chịu một trong các tội sau khi chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội:

- Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Xem thêm:

Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bảo hiểm xã hội là gì? (Phần 1)

Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bảo hiểm xã hội là gì? (Phần 3)

Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bảo hiểm xã hội là gì? (Phần 4)

Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bảo hiểm xã hội là gì? (Phần 5)

Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bảo hiểm xã hội là gì? (Phần 6)

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư