2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Theo Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, Khoản 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, về cơ bản có 02 trường hợp sau phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Người lao động là công dân Việt Nam đi làm việc, người lao động là người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về nhóm người đầu tiên phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc – người lao động là công dân Việt Nam đi làm việc.
Theo Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở đây bao gồm người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng (kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động và người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi trong trường hợp giao kết hợp đồng với người lao động chưa thành niên), người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 đến dưới 03 tháng. Trong đó:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng lao động mà trong đó 02 bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng (theo Điểm a Khoản 1 Điều 20 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019)
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng lao động mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng (theo Điểm b Khoản 1 Điều 20 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019)
- Hiện nay hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng không còn là một loại hợp đồng lao động theo Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019. Thay vào đó, nhóm hợp đồng này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn dưới 12 tháng cùng với nhóm hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng đến dưới 03 tháng.
a. Cán bộ
Cán bộ, theo Khoản 1 Điều 4 Luật cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2018, là:
- Công dân Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam.
- Người làm việc trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam (tổ chức chính trị), Nhà nước (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương (ví dụ: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), ở tỉnh (ví dụ: Liên đoàn lao động cấp tỉnh), cấp huyện (Liên đoàn lao động huyện)
- Người được nhận chức vụ, chức danh thông qua bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, không có sự thỏa thuận để nhận chức vụ, chức danh
- Làm việc trong biên chế, hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước, không làm việc theo hợp đồng lao động, không chịu sự điều chỉnh của các Bộ luật lao động
b. Công chức
Theo Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức số 52/2019/QH14 ngày 25/11/2019, công chức là:
- Công dân Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam
- Làm việc trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam (tổ chức chính trị), Nhà nước (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương (ví dụ: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), ở tỉnh (ví dụ: Liên đoàn lao động cấp tỉnh), cấp huyện (Liên đoàn lao động huyện); cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam (nhưng không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an; ví dụ như quân nhân dự bị)
- Làm việc trong biên chế và hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước, không làm việc theo hợp đồng lao động, không chịu sự điều chỉnh của các Bộ luật lao động.
c. Viên chức
Theo Luật viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15/11/2010, viên chức là:
- Công dân Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam.
- Làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị - tức Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn, có tư cách pháp nhân, có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực nhất định như giáo dục – đào tạo, lao động, thể dục – thể thao, y tế,…)
Có thể nói các chủ thể trên không làm việc theo hợp đồng lao động nhưng trên thực tế vẫn làm việc và hưởng lương với chế độ riêng biệt, vì vậy vẫn phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.
- Công nhân quốc phòng là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, được tuyển chọn, tuyển dụng vào Quân đội nhân dân theo vị trí việc làm hoặc chức danh nghề nghiệp mà không thuộc diện được phong quân hàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ. (Theo Khoản 2 Điều 2 Luật Công nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng số 98/2015/QH13 ngày 26/11/2015)
- Công nhân công an là công dân Việt Nam, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, được tuyển dụng vào làm việc trong Công an nhân dân mà không thuộc diện được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ (Theo Khoản 6 Điều 2 Luật công an nhân dân số 37/2018/QH14 ngày 20/11/2018)
- Người làm công tác tổ chức cơ yếu là người được bổ nhiệm, điều động, biệt phái để thực hiện nhiệm vụ trong lực lượng cơ yếu, tức lực lượng thực hiện công tác cơ yếu (Theo Điểm a Khoản 1 Điều 23 Luật cơ yếu số 05/2011/QH13 ngày 26/11/2011). Theo đó, người làm công tác cơ yếu có thể là quân nhân, công an nhân dân hoặc không phải là quân nhân, công an nhân dân, tuy nhiên ở trường hợp này, theo pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhóm người này không phải là quân nhân, công an nhân dân chuyên nghiệp, nhưng cũng không phải người lao động làm việc theo hợp đồng hay công chức, viên chức.
Như vậy, đây đều là người làm việc trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân nhưng không được hưởng ngạch lương của quân nhân, công an nhân dân, nhưng vẫn hưởng lương theo công việc của mình, cũng là đối tượng của Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, nên cũng là đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý hợp tác xã về nguyên tắc là người đại diện cho người sử dụng lao động thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động như quản lý, điều hành người lao động làm việc, giữ an toàn, vệ sinh lao động và các vấn đề khác tại nơi làm việc.
Tuy nhiên người quản lý doanh nghiệp, người quản lý hợp tác xã cũng là người làm việc cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động hoặc loại hợp đồng khác như hợp đồng thuê lại lao động, mà theo Khoản 5 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 thì cũng được coi là người lao động, nhóm người này cũng hưởng lương và làm việc theo sự thỏa thuận với người sử dụng lao động như người lao động. Do đó, nhóm người này là đối tượng của Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014.
Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (cấp xã) là người làm việc tại cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã ở một số chức danh nhất định nhưng theo chế độ chuyên trách (cùng lúc thực hiện nhiều công việc) như Phó chủ nhiệm kiểm tra Đảng Ủy, Phó trưởng ban tuyên giáo Đảng Ủy, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ; cán bộ dân số, gia đình và trẻ em…
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/07/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sắp có hiệu lực từ ngày 01/09/2021, đối với trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người lao động giao kết hợp đồng lao động (bao gồm hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn dưới 12 tháng trong đó có hợp đồng lao động thời vụ hoặc công việc nhất định từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng và hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng đến dưới 03 tháng) thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo diện người lao động làm việc theo hợp đồng lao động chứ không theo diện người làm việc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là người thuộc diện gia đình của người làm, theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23/01/2019 của Chính phủ, là vợ hoặc chồng của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Trong khi đó, thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23/01/2019 của Chính phủ bao gồm: Cán bộ, công chức, công nhân viên hưởng từ Ngân sách Nhà nước; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức, công nhân viên hưởng lương từ Ngân sách làm việc trong lực lượng vũ trang, được cấp quyền cử đi công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và các quy định liên quan khác.
Những người thuộc diện nhu nhân/phu quân của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; phương thức đóng; cơ quan làm thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm theo chế độ phu nhân hoặc phu quân của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, thu tiền đóng bảo hiểm bắt buộc được quy định tại Điều 15 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ.
Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tất cả các trường hợp trên (người làm việc theo hợp đồng lao động; cán bộ, công chức, viên chức; Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã; Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) trừ trường hợp phu nhân hoặc phu quân của thành viên cơ quan Việt Nam tại Việt Nam nếu được cử đi học tập, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương trong nước thì vẫn phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Điều này cho thấy, trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội xuất phát từ nhiều yếu tố trong đó có nguồn thu nhập của các chủ thể, nguồn thu nhập từ Việt Nam dẫn đến phải tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.
Xem thêm: Các trường hợp nào người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc? (Phần 2)
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh