Có những loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ nào? (Phần 1)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:49 (GMT+7)

Khái niệm và những loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ (Phần 1)

1. Khái niệm bảo hiểm phi nhân thọ

Theo Khoản 18 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, bảo hiểm phi nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ. Trong đó bảo hiểm tài sản là bảo hiểm giá trị tài sản, bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bảo hiểm trách nhiệm của chủ thể tham gia bảo hiểm đối với chủ thể khác (bên thứ ba). Có thể hiểu rằng, bảo hiểm này không bảo đảm cho sự sống của một cá nhân mà đảm bảo an toàn của các cá nhân, tổ chức trước các rủi ro bất thường trong quá trình hoạt động (rủi ro về người, tài sản, tính mạng, sức khỏe,…).

2. Các loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ

Theo Khoản 2 Điều 7 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000 và Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12 ngày 24/10/2010, có tổng cộng 10 loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, bao gồm:

2.1. Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại

Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại trên thực tế là bảo hiểm về giá trị của tài sản. Tài sản có khả năng mất giá trị, giảm giá trị theo thời gian do các yếu tố khách quan của môi trường (như do môi trường ẩm mốc, do khói bụi, môi trường ô nhiễm,…) và của các yếu tố tác động của con người (quá trình sử dụng của con người, lỗi gây ảnh hưởng đến giá trị của tài sản do con người gây ra,...). Để đảm bảo giá trị của tài sản, cá nhân, tổ chức có thể tham gia bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (thông qua hợp đồng bảo hiểm).

Dựa trên hợp đồng bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại, người tham gia bảo hiểm được doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thanh toán tiền trong trường hợp tài sản là đối tượng bảo hiểm bị mất giá trị, giảm giá trị do yếu tố khách quan, thiệt hại từ các tác nhân khác tới tài sản được bảo hiểm.

2.2. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không, tức là bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa và nước ngoài.

Trong đó:

- Vận chuyển đường bộ là hoạt động vận chuyển hàng hóa thông qua đường bộ, bằng các phương tiện vận chuyển hàng hóa đường bộ như xe ô tô, xe tải, xe gắn máy,…

- Vận chuyển đường thủy nội địa là hoạt động vận chuyển hàng hóa thông qua đường thủy, bằng các phương tiện vận chuyển hàng hóa đường thủy như tàu thủy, xuồng, ghe,... trên các tuyến đường thủy nội địa (sông ngòi, hồ thuộc lãnh thổ Việt Nam, vùng nội thủy, lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trên biển thuộc chủ quyền của Việt Nam)

- Vận chuyển đường hàng không là hoạt động vận chuyển hàng hóa thông qua đường hàng không, bằng các phương tiện bay như tàu bay dân sự, tàu bay quân sự,…

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không là bảo hiểm giá trị hàng hóa, tức nếu hàng hóa có bị mất giá trị, giảm giá trị do rủi ro xảy ra trong quá trình vận chuyển hàng hóa (đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không). Tức là trong trường hợp hàng hóa do rủi ro khách quan (không phải do lỗi của chủ thể tham gia bảo hiểm) mà giảm giá trị, mất giá trị, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm hàng hóa.

2.3. Bảo hiểm hàng không

Bảo hiểm hàng không là bảo hiểm dành cho máy bay và các rủi ro khác liên quan đến hàng không (không bao gồm hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không) và vận chuyển đường hàng không khác. Thông thường, các chủ thể tham gia bảo hiểm hàng không là các là chủ tàu bay, nhân viên trên tàu bay hoặc là hành khách trên tàu bay. Các rủi ro hàng không cũng rất đa dạng, cụ thể như rơi tàu bay, rủi ro cất cánh, hạ cánh, rủi ro sự cố kỹ thuật chung,… Trong trường hợp các rủi ro này xảy ra dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho chủ thể tham gia bảo hiểm hàng không (về tài sản, tính mạng, sức khỏe) thì dựa trên hợp đồng bảo hiểm hàng không, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán các chi phí thiệt hại cho chủ thể thụ hưởng.

2.4. Bảo hiểm xe cơ giới

Đây là một loại nghiệp vụ bảo hiểm phổ biến, được áp dụng với chủ xe cơ giới, tức chủ của các xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự… Bảo hiểm xe cơ giới trong nhiều trường hợp là bắt buộc đối với các chủ phương tiện cơ giới (như bảo hiểm xe ô tô, xe gắn máy), bao gồm bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới (khi xe cơ giới gây thiệt hại cho chủ thể khác, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm đảm bảo thanh toán ở mức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm cho chủ thể thứ ba bị thiệt hại), bảo hiểm vật chất xe cơ giới (khi xe cơ giới bị hỏng, giảm giá trị, gây thiệt hại cho chủ thể tham gia bảo hiểm thì doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm đảm bảo thanh toán ở mức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm cho chủ thể tham gia bảo hiểm).

Xem thêm:

Có những loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ nào? (Phần 2)

Tổng hợp bài viết về Luật kinh doanh bảo hiểm

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư