Mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:20 (GMT+7)

Bài viết giải thích về mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động

Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong ba Quỹ thành phần của Quỹ bảo hiểm xã hội. Người sử dụng lao động trong nhiều trường hợp phải đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp này. Vậy mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động như thế nào? Trường hợp nào người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

1. Đối với người sử dụng lao động người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương

Theo Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/05/2020 của Chính phủ, người sử dụng lao động của những người lao động thuộc nhóm trên thực hiện đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

- Mức đóng bình thường: 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (áp dụng cả với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước)

- Mức đóng dành cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về mức đóng bảo hiểm (khi đạt đủ các điều kiện): 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

2. Đối với người sử dụng lao động của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân

Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/05/2020 của Chính phủ, mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động trong trường hợp này là: 0,5% mức lương cơ sở

Chú ý: Mức lương cơ sở trong năm 2021 là 1.490.000 (Đồng)

Ví dụ: Người lao động C là công chức, suy ra người sử dụng lao động của người lao động C phải đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trong năm 2020 (mức lương cơ sở cũng là 1.490.000 Đồng) là:

Mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp = 0,5% x 1.490.000 = 7.450 (Đồng)

3. Thay đổi mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01/01/2021 đến ngày 30/06/2022

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/07/2021 của Chính phủ, Điều 2 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ, do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp và có chiều hướng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của người sử dụng lao động và thu nhập của người lao động, nên trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2021 đến ngày 30/06/2022, mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động xuống còn 0% Quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên mức 0% này không áp dụng cả với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Trường hợp người sử dụng lao động không phải đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Dù người sử dụng lao động có thuộc trường hợp phải đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động thì vẫn tồn tại trường hợp trong các tháng nhất định người sử dụng lao động không phải đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Theo Khoản 4 Điều 86 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, người lao động không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó (người lao động có thể ngừng làm việc cho người sử dụng lao động trong một thời gian nhất định để hưởng chế độ ốm đau, hoặc nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, ngừng việc do yếu tố khách quan). Tuy nhiên, riêng đối với nghỉ hưởng chế độ thai sản quá 14 ngày trong tháng thì vẫn được tính vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội dù trên thực tế người lao động và người sử dụng lao động đều không đóng bảo hiểm xã hội.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật bảo hiểm xã hội

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư