Nguyên tắc bảo hiểm xã hội như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:06 (GMT+7)

Bài viết giải thích về nguyên tắc bảo hiểm xã hội

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Theo Điều 5 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, có 05 nguyên tắc bảo hiểm xã hội.

1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội

Mức hưởng bảo hiểm xã hội căn cứ vào 02 yếu tố là mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm. Mức đóng càng lớn và thời gian đóng bảo hiểm càng dài thì mức hưởng càng cao, và người lại, thậm chí có thể có đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ điều kiện để hưởng mức bảo hiểm xã hội do chưa đủ thời gian đóng.

Sự chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội được thể hiện ở việc một người không phải khi nào cũng hưởng toàn bộ mức đóng bảo hiểm xã hội và sự lưu chuyển tiền trong Quỹ bảo hiểm xã hội. Ví dụ: Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nếu người lao động không bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì không được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), trong khi đó, người lao động khác bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể được hưởng mức bảo hiểm xã hội nhờ lưu chuyển phần đóng của người lao động không bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn

Bảo hiểm xã hội bắt buộc do người sử dụng lao động đóng cho người lao động dựa trên lương tháng thực tế của người lao động (bao gồm lương theo công việc, chức danh; phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác), mức lương này không cố định qua từng tháng (do người lao động có thể được tăng lương, giảm lương tùy theo tình hình thực hiện công việc của người lao động), do vậy mức đóng bảo hiểm dựa trên phần trăm trích ra từ lương của người lao động.

Khác với bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện có mức đóng dựa trên mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn (đăng ký khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện). Mức đóng bảo hiểm xã hội được trích phần trăm từ mức thu nhập mà người lao động đã đăng ký, do đó nếu mức thu nhập của người lao động thay đổi (thay đổi lựa chọn mức thu nhập) thì mức đóng bảo hiểm xã hội cũng thay đổi.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội

Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu người lao động vừa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thời gian làm căn cứ hưởng bảo hiểm chế độ tử tuất, hưu trí của người lao động tình từ thời gian bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội nói chung (thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện). Ví dụ: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 20/10/2017 và bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vào từ 05/06/2019, vậy thời gian làm căn cứ hưởng chế độ tử tuất và hưu trí là 20/10/2017.

Trường hợp người lao động đã tính thời gian đóng bảo hiểm vào một lần hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì nếu hưởng chế độ bảo hiểm lần nữa, người lao động không được lấy quãng thời gian đóng bảo hiểm trước hưởng bảo hiểm xã hội một lần để làm căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội lần sau.

4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định

Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý và tổ chức duy nhất bởi cơ quan Nhà nước, hoạt động quản lý bảo hiểm xã hội của Nhà nước thực hiện thông qua cơ quan quản lý về bảo hiểm, quy trình quản lý được thực hiện một cách thống nhất thông qua cơ quan quản lý bảo hiểm, công khai, minh bạch trong hoạt động nộp bảo hiểm và hưởng chế độ cho người lao động và các hoạt động tài chính khác.

5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội

Thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện để người sử dụng lao động và người lao động có thể thực hiện đóng bảo hiểm cũng như hưởng bảo hiểm một cách nhanh chóng, không bị cản trở dẫn đến không đóng bảo hiểm, đóng thiếu bảo hiểm, cũng như ngăn chặn các hành vi trục lợi từ hoạt động đóng bảo hiểm, hưởng bảo hiểm.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư