Quyền của Công đoàn liên quan đến bảo hiểm xã hội như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:07 (GMT+7)

Bài viết giải thích về quyền của Công đoàn liên quan đến bảo hiểm xã hội

Theo Khoản 1 Điều 14 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, tổ chức Công đoàn có 04 quyền liên quan đến bảo hiểm xã hội. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về 04 quyền này.

1. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Công đoàn là tổ chức đại diện người lao động duy nhất tại Việt Nam trước khi Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 có hiệu lực, hiện nay cũng là tổ chức đại diện người lao động lớn nhất Việt Nam, cũng là một trong những tổ chức chính trị - xã hội được công nhận. Tổ chức này được thành lập ra với nhiệm vụ bảo đảm quyền, quyền lợi cho người lao động. Đối với vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội cũng vậy, theo Điểm a Khoản 1 Điều 14 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, Công đoàn có quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thông qua các hoạt động.

2. Yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về bảo hiểm xã hội của người lao động

Là tổ chức đại diện người lao động, Công đoàn có quyền yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về bảo hiểm xã hội của người lao động khi người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội không cung cấp đủ thông tin cần thiết về bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động hoặc hoạt động thực hiện nghĩa vụ về bảo hiểm của người lao động.

3. Giám sát và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

Công đoàn được thành lập bởi người lao động, không có sự can thiệp của người sử dụng lao động hay bất kỳ chủ thể nào khác khi được thành lập, vì vậy Công đoàn tương đối độc lập với người sử dụng lao động, cũng không bị ảnh hưởng bởi cơ quan quản lý về bảo hiểm xã hội. Công đoàn cơ sở có thể giám sát người sử dụng lao động về các vấn đề an toàn, vệ sinh lao động, sử dụng người lao động và cả vấn đề đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội,… Khi phát hiện vi phạm pháp luật về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động liên quan đến lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, Công đoàn có quyền kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền (như Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) để cơ quan này tiến hành điều tra, xử lý vi phạm.

Tương tự đối với trường hợp phát hiện ra vi phạm của cơ quan bảo hiểm xã hội, cá nhân thực hiện công tác quản lý bảo hiểm xã hội trong cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội, Công đoàn có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền (như Phòng Thanh tra – Kiểm tra) để giải quyết vi phạm.

4. Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật công đoàn

Theo Khoản 8 Điều 10 Luật công đoàn số 12/2012/QH13 ngày 20/06/2012:

Điều 10. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

8. Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.

Theo đó, với tư cách là tổ chức đại diện người lao động, Công đoàn đại diện cho người lao động tham gia Công đoàn (tập thể người lao động, cá nhân người lao động) khởi kiện tại Tòa án (trở thành nguyên đơn) khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động, cá nhân người lao động bị xâm phạm (trong trường hợp cá nhân có ủy quyền). Trong đó, nếu quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và cá nhân người lao động liên quan đến bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng, xâm phạm thì Công đoàn vẫn được thực hiện quyền này, kể cả chủ thể bị kiện là người sử dụng lao động hay cơ quan bảo hiểm xã hội. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của người lao động, Tòa án về từng lĩnh vực (hành chính, dân sự, hình sự) có thẩm quyền xử lý đơn kiện của Công đoàn theo các quy trình tố tụng khác nhau (tố tụng hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự).

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư