Thời gian người lao động nữ được nghỉ việc dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau nghỉ thai sản như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:12 (GMT+7)

Thời gian người lao động nữ được nghỉ việc dưỡng sức, phục hồi sức khỏe

1. Thời gian người lao động nữ được nghỉ việc dưỡng sức, phục hồi sức khỏe

1.1. Chủ thể quyết định thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe của người lao động nữ

Theo Khoản 2 Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, người sử dụng lao động và Ban chấp hành Công đoàn là 02 chủ thể cùng quyết định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cụ thể cho từng người lao động, dựa vào quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội cũng như tình trạng sức khỏe thực tế của người lao động.

Trong trường hợp tại nơi làm việc (đơn vị sử dụng lao động) chưa thành lập Công đoàn cơ sở, thì số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cụ thể của người lao động hoàn toàn được quyết định bởi người sử dụng lao động.

1.2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe của người lao động

Theo Khoản 2 Điều Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, người sử dụng lao động và Ban chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động trong phạm vi sau:

- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên

- Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật

- Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác

Các ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe của người lao động bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần (nếu trong thời gian người lao động nghỉ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trùng với các ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần thì các ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần cũng được tính vào thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, người lao động không được nghỉ thêm).

Ví dụ: Người lao động được nghỉ 07 ngày dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, trong khoảng thời gian đó có 01 ngày là Chủ nhật (ngày nghỉ hằng tuần của người lao động), 02 ngày là ngày nghỉ lễ 30/4, 01/05, tuy nhiên người lao động không được trừ các ngày đó ra khỏi thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Sau đúng 07 ngày kể từ khi bắt đầu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, người lao động phải quay lại làm việc.

1.3. Một số trường hợp đặc biệt

a. Người lao động nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe vào năm sau năm hưởng chế độ thai sản

Theo Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người lao động nữ đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe vào năm nào thì thời gian nghỉ việc dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó. Tức là dù đã sang năm mới, người lao động vẫn có thể nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe dựa trên thời gian nghỉ thai sản của năm trước.

Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đưa ra ví dụ cho trường hợp này:

Ví dụ 18: Chị Th đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ngày 15/12/2016 trở lại làm việc sau thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con, đến ngày 10/01/2017 do sức khỏe chưa phục hồi nên chị Th được cơ quan giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày.

Trường hợp chị Th được nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày và thời gian nghỉ này được tính cho năm 2016.

b. Người lao động quay lại làm việc trước khi hết hạn nghỉ việc hưởng chế độ thai sản

Theo Khoản 8 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/07/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì không được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con. Tức là trong thời gian hưởng chế độ khi sinh con, dù đã quay trở lại làm việc, người lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

c. Người lao động trong một năm vừa nghỉ chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian nghỉ sau khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý vừa nghỉ chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh con (hoặc con dưới 06 tháng tuổi mất)

Theo Khoản 9 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/07/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong trường hợp này, thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe đối với mỗi trường hợp không quá thời gian quy định tối đa tại Khoản 2 Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014. Tức là với mỗi đợt hưởng chế độ thai sản khác nhau thì thời gian nghỉ việc dưỡng sức, phục hồi sức khỏe là khác nhau.

2. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Theo Khoản 3 Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014:

Điều 41. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Hiện nay, mức lương cơ sở năm 2021 là 1.490.000 Đồng.

Suy ra:

Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày = 1.490.000 x 30% = 447.000 Đồng

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật bảo hiểm xã hội

Luật Hoàng Anh 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư