Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) có ý nghĩa như thế nào?

Thứ năm, 07/11/2024, 04:11:04 (GMT+7)

Pháp luật là nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển vững chắc của đất nước. Mọi hoạt động xã hội, từ sản xuất, kinh doanh đến giáo dục, y tế, đều phải được điều chỉnh theo quy định của pháp luật. Điều này giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân, tổ chức, đồng thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Chính vì vậy, tại Việt Nam, ngày 09/11 hàng năm được chọn là Ngày Pháp luật Việt Nam, được quy định theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Vậy ngày này có ý nghĩa như thế nào? Điều đó sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây

Lịch sử hình thành

Ngày Pháp luật Việt Nam được chính thức chọn vào ngày 09/11 hàng năm nhằm kỷ niệm và nhắc nhở về tầm quan trọng của pháp luật trong đời sống xã hội. Lịch sử hình thành Ngày Pháp luật Việt Nam gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật của nước ta.

Việc Quốc hội lựa chọn ngày 09/11 là ngày pháp luật vì đây là ngày Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946. Đây là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời thể hiện quyền lực của nhân dân trong việc xây dựng hệ thống pháp luật. Đây cũng là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành vào ngày 09/11/1946. Bản Hiến pháp này đã đặt nền tảng cho một nhà nước độc lập, dân chủ, và chủ quyền thuộc về nhân dân, từ đó hình thành hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có thêm 04 Hiến pháp, lần lượt là Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013. Các bản Hiến pháp này tiếp tục khẳng định vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. Thế nhưng, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.

Việc xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật trở thành nhiệm vụ quan trọng để quản lý xã hội và đảm bảo các quyền, nghĩa vụ của công dân.

Ngày 20 tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Luật Phổ biến giáo dục pháp luật ra đời đã quy định và khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cụ thể, Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật quy định:

Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Điều này giúp nâng cao nhận thức về pháp luật và khuyến khích tinh thần tự giác tuân thủ pháp luật trong xã hội.

Ý nghĩa và mục đích của Ngày Pháp luật Việt Nam

Ngày Pháp luật Việt Nam có ý nghĩa và mục đích sâu sắc trong việc xây dựng và củng cố xã hội thượng tôn pháp luật.

Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội

Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm nhắc nhở mọi công dân, tổ chức về vai trò quan trọng của pháp luật trong đời sống hàng ngày, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật.

Đây là cơ hội để xã hội nâng cao ý thức tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật, làm nền tảng cho việc xây dựng một xã hội công bằng, kỷ cương, an toàn và ổn định.

Tôn vinh giá trị của Hiến pháp và pháp luật

Ngày Pháp luật Việt Nam là dịp để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giúp mỗi người nhận thức rằng pháp luật là nền tảng của xã hội, bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của công dân.

Việc tôn vinh pháp luật cũng giúp người dân hiểu rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Giáo dục và nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân

Ngày này thúc đẩy các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp người dân có kiến thức cơ bản về các quy định pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày.

Việc giáo dục pháp luật cũng giúp nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi hợp pháp của mình, đồng thời hiểu rõ hơn về nghĩa vụ công dân và trách nhiệm đối với xã hội.

Đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền

Ngày Pháp luật còn giúp thúc đẩy việc xây dựng và củng cố nhà nước pháp quyền, bảo đảm mọi hành động của các cơ quan nhà nước đều phải tuân thủ pháp luật.

Điều này đòi hỏi các cơ quan, tổ chức nhà nước phải minh bạch, công khai trong hoạt động quản lý, điều hành và giải quyết các vấn đề pháp lý.

Thúc đẩy trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong xây dựng và thực thi pháp luật

Ngày Pháp luật Việt Nam còn là dịp để các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nhìn nhận lại vai trò của mình trong việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Các hoạt động trong ngày này giúp tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Tăng cường tinh thần đoàn kết, hòa bình, công bằng trong xã hội

Việc tuân thủ pháp luật góp phần duy trì trật tự, an ninh, công bằng trong xã hội, từ đó tạo môi trường hòa bình và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Ngày Pháp luật cũng giúp nâng cao tinh thần đoàn kết khi mọi người đều sống và làm việc theo khuôn khổ pháp luật, cùng chung sức vì sự phát triển của đất nước.

 

Có thể thấy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Thông qua Ngày pháp luật để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Pháp luật Việt Nam 2024

Căn cứ theo Mục 4 Công văn 4421/BVHTTDL-PC năm 2024 quy định các cơ quan, đơn vị, các Sở có thể tham khảo sử dụng các khẩu hiệu tuyên truyền ngày Pháp luật Việt Nam sau:

- “Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật”.

- “Chủ động tìm hiểu, gương mẫu tuân theo Hiến pháp và pháp luật là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành văn hóa, thể thao và du lịch”.

- “Đẩy mạnh truyền thông chính sách về văn hóa, thể thao và du lịch góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi pháp luật”.

- “Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

- “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp”.

- “Tích cực cải cách hành chính, chuyển đổi số, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp”.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11

Nội dung

Căn cứ điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2024 cần tập trung vào một số nội dung sau:

a) Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó tập trung phổ biến chính sách, pháp luật, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2023 và năm 2024; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; quốc phòng và an ninh; công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phòng, chống tội phạm; dân chủ ở cơ sở; dịch bệnh, thiên tai; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường; bản quyền tác giả; điện ảnh… kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dự luận xã hội.

b) Tăng cường công tác truyền thông dự thảo chính sách thuộc phạm vi của Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhất là các dự án Luật có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp như: dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo... góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.

c) Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, xuyên tạc nội dung các Luật đang có hiệu lực thi hành và trong quá trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến đối với các dự án Luật, nhất là những dự án Luật có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống Nhân dân.

d) Thông tin, phản ánh, tôn vinh gương người tốt việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.

Hình thức

Căn cứ vào điều kiện thực tế, các cơ quan, đơn vị, các Sở có thể lựa chọn các hình thức tổ chức hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2024 cho phù hợp, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trọng tâm là:

a) Triển khai các hoạt động hưởng ứng thiết thực tại cơ sở bằng những hình thức phù hợp, cụ thể; đẩy mạnh thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoạt động thanh niên tình nguyện, giáo dục pháp luật ngoại khóa; lồng ghép trong các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở... Phát động phong trào thi đua hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2024.

b) Tổ chức lồng ghép hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2024 kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế, hướng về cơ sở, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

c) Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày pháp luật Việt Nam năm 2024 tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Về khẩu hiệu, đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày pháp luật Việt Nam (có thể tham khảo và sử dụng một số khẩu hiệu do Bộ Tư pháp cung cấp tại chuyên mục “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp).

d) Tăng cường PBGDPL theo các nhóm đối tượng, trước hết với nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, pháp luật, trọng tâm với công chức, viên chức, người lao động, văn nghệ sỹ, vận động viên, huấn luyện viên thuộc phạm vi quản lý và các đối tượng đặc thù. Phát huy thế mạnh của ngành văn hóa thể thao du lịch, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán các dân tộc trong PBGDPL Biên soạn nội dung PBGDPL phù hợp đối tượng, địa bàn, thời điểm... phương pháp, cách thức PBGDPL (theo chuyên đề, dạng hỏi đáp, tình huống...). Đa dạng hoá các loại văn bản, tài liệu hướng tới phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp cận pháp luật cho nhiều đối tượng.

đ) Tăng cường tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; cung cấp tài liệu phổ biến pháp luật bằng các hình thức phù hợp.

e) Xây dựng, phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành pháp luật, PBGDPL.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư