Bảo lãnh là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:05 (GMT+7)

Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ

Thông thường, trong quan hệ bảo đảm, bên bảo đảm thường là bên có nghĩa vụ được bảo đảm. Bên có nghĩa vụ giao cho bên nhận bảo đảm một tài sản thuộc sở hữu của mình, để đảm bảo chắc chắn nghĩa vụ sẽ được hoàn thành. Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào bên có nghĩa vụ cũng có sẵn tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ của mình. Để tạo điều kiện cho các bên không có tài sản đảm bảo vẫn có thể tham gia giao dịch, mà vẫn bảo vệ quyền lợi cho bên có quyền, pháp luật quy định về việc bên thứ ba được đứng ra bảo lãnh cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Điều 335 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bảo lãnh như sau:

Điều 335. Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”.

1.Khái niệm

Trong các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp,…bên bảo đảm cũng có thể là bên thứ ba giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên nhận bảo đảm, nhằm đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Tuy nhiên, đối với biện pháp bảo lãnh, mặc dù cũng có sự tham gia của người thứ ba, nhưng họ không phải giao tài sản cho bên nhận bảo lãnh. Việc bảo lãnh được thể hiện dựa trên cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đó. Do đó, có thể hiểu bảo lãnh là việc bên bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Ví dụ: A vay B 100 triệu đồng trong thời hạn 01 năm, C đứng ra bảo lãnh cho khoản vay của A, theo đó, C cam kết nếu hết thời hạn 01 mà A không trả tiền cho B thì C sẽ thanh toán số tiền đó thay cho A.

2.Chủ thể

Căn cứ vào khái niệm bảo lãnh, có thể thấy trong quan hệ bảo lãnh xuất hiện từ 03 chủ thể trở lên, các chủ thể này có mối liên hệ nhất định với nhau. Trong ví dụ trên, có thể xác định các chủ thể và mối quan hệ giữa các chủ thể như sau: A là bên được bảo lãnh (hay còn gọi là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm), B là bên nhận bảo lãnh (hay còn gọi là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm), và C là bên bảo lãnh. Giữa A và B là mối quan hệ giữa bên có nghĩa vụ và bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm. Giữa A và C là mối quan hệ giữa bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh trong quan hệ bảo lãnh. Và giữa A và C là mối quan hệ giữa bên có nghĩa vụ và bên có quyền nếu trong trường hợp A không thực hiện nghĩa vụ với B và C phải thực hiện thay, thì giữa họ phát sinh nghĩa vụ hoàn lại, theo đó, A có nghĩa vụ hoàn lại số tiền mà C đã thay A thanh toán cho B. 

3.Đối tượng

Pháp luật không quy định cụ thể đối tượng của quan hệ bảo lãnh, mà chỉ quy định chung là nghĩa vụ mà bên có nghĩa phải thực hiện. Do đó, đối tượng của quan hệ bảo lãnh là tài sản hoặc một công việc phải thực hiện. Theo đó, bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài sản, hoặc thực hiện một công việc thay cho bên được bảo lãnh, nhằm thỏa mãn lợi ích của bên nhận bảo lãnh.

4.Thỏa thuận về bảo lãnh

Đối với biện pháp bảo lãnh, có một vấn đề phát sinh gây hậu quả bất lợi cho bên bảo lãnh đó là, bên được bảo lãnh trốn tránh nghĩa vụ, ỷ lại cho bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh. Do đó, pháp luật cho phép các bên được thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh, khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Việc xác định bên bảo lãnh có khả năng thực hiện nghĩa vụ hay không phụ thuộc vào chứng minh của bên bảo lãnh. Bên bảo lãnh phải chứng minh cho bên nhận bảo lãnh biết về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên được bảo lãnh. 

Ngoài ra Điều 43 nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, quy định về thỏa thuận về bảo lãnh như sau:

Điều 43. Thỏa thuận về bảo lãnh

1. Bên bảo lãnh có thể thỏa thuận với bên nhận bảo lãnh về việc áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình.

2. Trường hợp bên bảo lãnh cam kết thực hiện công việc thay cho bên được bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với nghĩa vụ được bảo lãnh.

3. Thỏa thuận về bảo lãnh có thể được thể hiện bằng hợp đồng riêng về bảo lãnh, thư bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh khác”

-Trường hợp đối tượng bảo lãnh là tài sản. Bên bảo lãnh có thể không tự tin vào thời điểm bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ, mình có khả năng thực hiện nghĩa vụ thay họ (hoặc bên nhận bảo lãnh muốn đảm bảo an toàn cho quyền được thanh toán của mình). Do đó, pháp luật cho phép bên bảo lãnh có thể thỏa thuận với bên nhận bảo lãnh về việc áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình. Quy định này nhằm dự phòng trường hợp khi đến hạn bên bảo lãnh không đủ khả năng bảo lãnh nghĩa vụ, đồng thời đáp ứng quyền được thanh toán của bên nhận bảo lãnh.

-Trường hợp đối tượng bảo lãnh là công việc phải thực hiện. Nếu đối tượng là công việc phải thực hiện, câu hỏi đặt ra là bên bảo lãnh có đủ năng lực hành vi thực hiện công việc đó không? Vì theo quy định của pháp luật, có những giao dịch dân sự mà người chưa thành niên (là người chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự) không được thực hiện, mà họ lại làm người bảo lãnh, thì giao dịch bảo lãnh bị xem là vô hiệu theo Điều 125 BLDS năm 2015. Ví dụ: A vay B 10 triệu đồng hai bên thỏa thuận về việc A phải lái xe đưa gia đình B đi du lịch để thay thế cho việc trả tiền, C (17 tuổi) đứng ra bảo lãnh cho khoản vay của A. Trong trường hợp này, nếu A không thực hiện nghĩa vụ thì C với tư cách là bên bảo lãnh sẽ phải thực hiện thay. Tuy nhiên, công việc được bảo lãnh là lái xe oto, nhưng theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 60 Luật giao thông đường bộ năm 2019 thì chỉ người từ đủ 18 tuổi mới được lái ôtô chở người đến 09 chỗ ngồi, mà C mới có 17 tuổi. Do đó, hợp đồng bảo lãnh bị vô hiệu.

-Các bên có thể thỏa thuận về hình thức của hợp đồng bảo lãnh, theo đó, có thể được thể hiện bằng một hợp đồng riêng về bảo lãnh, thư bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh khác.

5.Thù lao

Điều 337 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thù lao bảo lãnh như sau: "Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận”. Thông thường bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có quan hệ thân thiết, nên việc bảo lãnh sẽ không có thù lao. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc pháp luật quy định bên bảo lãnh không được hưởng thù lao bảo lãnh. Mà các bên có thể thỏa thuận về việc hưởng một khoản thù lao nhất định.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư