2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Trong quan hệ nghĩa vụ, khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì bên có quyền sẽ là bên tiếp nhận nghĩa vụ đó để phục vụ cho lợi ích của mình. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp bên có quyền đều tiếp nhận nghĩa vụ đúng hạn. Việc đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ và bên có quyền đã thực hiện xong nghĩa vụ nhưng bên có quyền chưa tiếp nhận nghĩa vụ gọi là chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ. Điều 355 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ như sau:
“Điều 355. Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ
1. Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ là khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng bên có quyền không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Trường hợp chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là tài sản thì bên có nghĩa vụ có thể gửi tài sản tại nơi nhận gửi giữ tài sản hoặc áp dụng biện pháp cần thiết khác để bảo quản tài sản và có quyền yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý. Trường hợp tài sản được gửi giữ thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền.
3. Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng thì bên có nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và phải thông báo ngay cho bên có quyền, trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó”.
-Nếu chậm thực hiện nghĩa vụ là hành vi của bên bên mang nghĩa vụ chưa thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn, thì chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ là hành vi của bên mang quyền, theo đó, mặc dù thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã đến, bên có nghĩa vụ cũng đã hoàn thành nghĩa vụ của mình nhưng bên có quyền vẫn chưa tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ. Về nguyên tắc, khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì bên mang quyền sẽ phải tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào bên có quyền cũng tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ đã hoàn thành nghĩa vụ đúng thời hạn, mà vì một lý do nào đó bên có quyền không tiếp nhận thì đây được coi là chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ.
-Đối tượng của quan hệ nghĩa vụ có thể là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc công việc không phải thực hiện. Đối với đối tượng là tài sản, thì khi bên có nghĩa vụ giao tài sản sẽ làm phát sinh việc nhận tài sản của bên có quyền. Trong trường hợp này, việc chậm thực tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ thuộc về lỗi của bên có quyền. Để đảm bảo lợi ích của các bên, đồng thời để nghĩa vụ được thực hiện một cách tốt và thuận lợi, pháp luật cho phép bên có nghĩa vụ được gửi tài sản tại nơi nhận gửi giữ tài sản hoặc áp dụng biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản và có quyền yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý. Đây là lỗi của bên có quyền, do đó, mọi chi phí phát sinh cho việc bảo quản tài sản đều phải do bên có quyền thanh toán. Bên cạnh đó, để bên có quyền nắm bắt được thông tin về tài sản để tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ một cách nhanh chóng và thuận lợi, pháp luật quy định bên có nghĩa vụ nếu gửi tài sản phải thông báo cho bên có quyền. Ví dụ: A thuê xe của B trong thời hạn 02 ngày. Tuy nhiên, sau 02 ngày A đem xe đến trả thì B không có nhà, do đó, A gửi xe tại bãi gửi xe gần nhà B và thông báo cho B biết. Trong trường hợp này, B phải thanh toán phí gửi xe vì B đã chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ.
-Có những trường hợp, vì chậm thực tiếp nhận hiện nghĩa vụ mà đối tượng của nghĩa vụ có nguy cơ hư hỏng. Trong trường hợp này, để đảm bảo giá trị kinh tế của tài sản, tránh việc tài sản bị mất giá trị đồng thời bảo vệ lợi ích của các bên pháp luật cho phép bên có nghĩa vụ được bán tài sản. Mặc dù việc bán tài sản là trường hợp khẩn cấp và cần thiết để bảo vệ lợi ích của các bên, tuy nhiên, bên có quyền mới là bên có quyền lợi liên quan trực tiếp đến đối tượng. Do đó, bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền biết về việc bán tài sản, và trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ việc bán tài sản. Quy định này dựa trên nguyên tắc “cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực” tại Điều 3 BLDS năm 2015. Nguyên nhân dẫn đến việc bên có nghĩa vụ phải bán tài sản là do việc chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ của bên có quyền, vì vậy, bên có quyền phải thanh toán chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó.
Luật Hoàng Anh.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh