Chủ thể nào có quyền định đoạt? Quyền định đoạt có bị hạn chế không?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:50 (GMT+7)

Quyền định đoạt là quyền của chủ sở hữu, quyền định đoạt bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định.

Quyền định đoạt là quyền mà pháp luật trao cho chủ sở hữu tài sản, bằng hành vi thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản, hoặc tiêu hủy tài sản tùy thuộc vào ý chí, mong muốn của chủ sở hữu. Tuy nhiên không phải chỉ có chủ sở hữu mới có quyền định đoạt tài sản, cũng như việc tự do định đoạt tài sản của chủ thể chỉ đến một giới hạn nhất định. Vậy những chủ thể nào có quyền định đoạt tài sản? Quyền định đoạt bị hạn chế như thế nào? Bài viết này sẽ làm rõ vấn đề theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.
Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Quyền định đoạt được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện nhất định do pháp luật quy định.

1.Chủ thể có quyền định đoạt.

1.1.Quyền định đoạt của chủ sở hữu

Trước tiên quyền định đoạt là quyền của chủ sở hữu tài sản đó. Chủ thể có tài sản thuộc quyền sở hữu của mình được pháp luật trao cho quyền sở hữu đối với tài sản, trong đó quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Vì vậy, khi mọt chủ thể có tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình thì đương nhiên được pháp luật công nhận và trao cho quyền định đoạt với tài sản đó. Điều 194 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 194. Quyền định đoạt của chủ sở hữu
Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản".

Từ quy định trên có thể thấy chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt trên hai phương diện chính là: định đoạt về mặt thực tế đối với tài sản và định đoạt về mặt pháp lý.
Thứ nhất, định đoạt trên phương diện thực tế của tài sản. Theo đó chủ thể tác động trực tiếp lên tài sản bằng cách tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Tiêu dùng là việc chủ thể đưa tài sản vào sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu trong cuộc sống. Tiêu hủy tài sản là việc chủ thể bằng một hành vi cụ thể làm cho tài sản không còn tồn tại trên đời này nữa. 
Thứ hai, định đoạt trên phương diện pháp lý của tài sản. Định đoạt dưới góc độ pháp lý là việc chủ thể chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác, hoặc từ bỏ tài sản làm phát sinh chủ thể có quyền mới đối với tài sản đó. Định đoạt dưới góc độ pháp lý là căn cứ làm chấm dứt quyền sở hữu của chủ thể đối với tài sản. Chủ thể thực hiện quyền thông qua các giao dịch dân sự phù hợp như: thừa kế, tặng cho, bán tài sản, từ bỏ quyền sở hữu tài sản, cho vay,…
Tuy nhiên dù là thực hiện quyền định đoạt trên phương diện nào, thì việc cũng làm thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật liên quan đến vật đó trong một quãng thời gian nhất định, hoặc mãi mãi. Ví dụ: Việc tiêu hủy tài sản làm chấm dứt vĩnh viễn quyền của chủ sở hữu với tài sản vì tài sản thực tế không còn tồn tại; Tuy nhiên nếu chủ thể cho người khác vay tài sản thì, chủ thể chỉ chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản trong một khoảng thời gian nhất định theo hợp đồng cho vay, hết thời gian đó quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó được chuyển giao lại cho chủ sở hữu.

1.2.Quyền định đoạt của chủ thể không phải chủ sở hữu

Người không phải chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt tài sản thông qua hình thức ủy quyền từ chủ sở hữu. Điều 195 Bộ luật dân sự quy định:

"Điều 195. Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu
Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật".

Để các chủ sở hữu linh hoạt hơn trong quá trình định đoạy tài sản, pháp luật quy định để chủ sở hữu có thể ủy quyền cho người khác thự hiện thay. Người được chủ sở hữu ủy quyền được quyền định đoạt tài sản, nhưng việc định đoạt đó phải được cách thức, phương phù hợp với ý chí và vì lợi ích của chủ sở hữu. Trên thực tế dù là chủ thể có quyền định đoạt tài sản nhưng người được ủy quyền không được thực hiện theo ý chí độc lập của mình, mà chỉ có chủ sở hữu mới có quyền thực hiện theo ý chí độc lập của mình. Vì quyền định đoạt của người không phải chủ sở hữu thực hiện thông qua một hợp đồng uỷ quyền, được lập dựa trên ý chí của chủ sở hữu, trong đó quy định rõ người được ủy quyền được làm gì và không được làm gì. Quyền định đoạt của người được ủy quyền thực chất chỉ là cách mà chủ sở hữu gián tiếp thực hiện quyền định đoạt mà thôi.

2.Hạn chế quyền định đoạt

Quyền định đoạt dù là quyền của chủ thể đối với tài sản của mình, song để đảm bảo việc các chủ thể thực hiện quyền định đoạt không gây ảnh hưởng đến lợi ích của chủ thể thể khác, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, đảm bảo ổn định trong giao lưu dân sự, nên pháp luật quy định hạn chế quyền định trong một số trường hợp nhất định. Điều 196 Bộ luật dân sự 2015 quy định trường hợp hạn chế quyền định đoạt như sau:

"Điều 196. Hạn chế quyền định đoạt
1. Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.
2. Khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.
Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó".

Như vậy có thể thấy quyền định đoạt thực chất là quyền của chủ sở hữu, chủ thể thực hiện quyền định đoạt dựa trên ý chí của mình, trường hợp người không phải chủ sở hữu có quyền định đoạt cũng là do chủ sở hữu ủy quyền. Tuy vậy quyền định đoạt trong một số trường hợp chủ thể không được thực hiện theo ý chí của chủ thể, mà phải thực hiện theo ý chí của pháp luật.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư