Đảm bảo an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:50 (GMT+7)

Chủ sở hữu có cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ gây thiệt hại cho bất động sản liền kề có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn

Trên thực tế việc trồng cây cối, xây dựng công trình trên bất động sản có thể gây thiệt hại cho bất động sản liền kề. Đó có thể là những nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Vậy trong trường hợp này, chủ sở hữu của bất động sản liền kề có quyền được đảm bảo an toàn cho bất động sản của mình. Vậy việc đảm bảo an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại được quy định như thế nào? Bài viết này sẽ làm rõ vấn đề theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.
Thiệt hại do cây cối, công trình xây dựng thường xảy ra đối với các bất động sản liền kề. Thiệt hại có thể xảy ra trong một số trường hợp: cây cối bị đổ do bão, trong quá trình thi công công trình xây dựng có thể làm ảnh hưởng đến móng nhà, nứt tường của những bất động sản bên cạnh,… Trong trường hợp này pháp luật quy định về việc đảm bảo an toàn cho bất động sản liền kề như sau:
"Điều 177. Bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại
1. Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.
2. Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định.
Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì chủ sở hữu tài sản đó phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản khác.
3. Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường".

1. Nghĩa vụ của chủ thể có cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại. 

Nếu xét thấy cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ gây thiệt hại cho các bất động sản xung quanh, hoặc đã gây thiệt hại nhưng không đáng kể nhưng nếu tiếp tục sẽ gây thiệt hại nặng nề, thì chủ sở hữu tài sản có nguy cơ gây thiệt hại phải tự nguyện thực hiện các biện pháp khắc phục như: chặt cây, giỡ bỏ công trình xây dựng, hoặc áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình xây dựng. Tránh gây ra thiệt hại cho các bất động sản khác. Quy định này nhằm đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc tôn trọng quy tắc xây dựng được quy định tại điều 174 Bộ luật dân sự 2015. Trường hợp chủ sở hữu không thực hiện biện pháp khắc phục thì, chủ sở hữu bất động sản xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp đảm bảo an toàn, mọi chi phí do chủ sở hữu có tài sản có nguy cơ gây thiệt hại chịu.
Các chủ sở hữu có nghĩa vụ tôn trọng quy định về mốc giới ngăn cách với bất động sản liền kề. Việc xây dựng công trình, đào giếng, ao phải cách mốc giới một khoảng do pháp luật quy định. Các công trình vệ sinh, kho chứa chất độc hại, và công trình khác có khả năng gây ô nhiễm môi trường phải được xây dựng hợp lý, đảm bảo vệ sinh, an toàn, không làm ảnh hưởng, gây thiệt hại cho các bất động sản xung quanh. 

2. Trách nhiệm của chủ sở hữu có tài sản gây thiệt hại khi gây thiệt hại cho các chủ sở hữu bất động sản liền kề.

Các chủ sở hữu có tài sản có nguy cơ gây thiệt hại nếu không áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định pháp luật, gây thiệt hại cho các chủ sở hữu có bất động sản liền kề, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường tương ứng với những thiệt hại đã gây ra. Cụ thể là trong trường hợp có cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ gây thiệt hại.

2.1. Đối với cây cối, điều 604 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 604. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra".

Theo đó nếu cây cối bị đổ đè vào nhà của chủ sở hữu khác, chủ sở hữu của bất động sản có cây cối gây thiệt hại phải bồi thường cho chủ sở hữu bị thiệt hại mọt khoản tiền tương ứng với thiệt hại, để người đó khắc phục thiệt hại đã xảy ra.

2.2. Đối với công trình xây dựng có nguy cơ gây thiệt hại, điều 605 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 605. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường".

Trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ gây thiệt cho các công trình xung quanh, mà chủ sở hữu không áp dụng biện pháp khắc phục thì phải bồi thường cho các chủ sở hữu bị thiệt hại.
Trường hợp thiệt hại xảy ra do người thi công, thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp này thiệt hại không phải do việc xây dựng công trình gây ra, vốn dĩ công trình được xây dựng không gây ảnh hưởng đến các công trình xung quanh, nhưng người thi công bằng hành vi của mình gián tiếp gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm. Ví dụ: việc xây dựng công trình A được xác nhận là không gây ảnh hưởng đến các bất động sản liền kề, tuy nhiên trong quá trình xây dựng B sử dụng vật liệu kém chất lượng làm tường bị đổ vào căn nhà khác liền kề, lúc này B phải chịu trách nhiệm bồi thường cho căn nhà bị thiệt hại. 
Quy định đảm bảo an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại không chỉ để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể có bất động sản bị thiệt hại, mà còn để các chủ thể có tài sản có nguy cơ gây thiệt hại ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, từ đó làm việc có hiệu quả hơn, ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.
Trên đây là những quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư