2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Trên thực tế, khi thực hiện nghĩa vụ, bên mang nghĩa vụ có thể vì một lý do nào đó mà không thể hoàn thành nghĩa vụ đúng thời hạn đã thỏa thuận nên phải chịu trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích của bên có nghĩa vụ trong trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ không phải do lỗi cố ý, pháp luật đã cho phép bên mang nghĩa vụ được hoãn thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể, quy định về hoãn thực hiện nghĩa vụ được ghi nhận tại Điều 354 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“Điều 354. Hoãn thực hiện nghĩa vụ
1. Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo.
2. Bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên có quyền đồng ý. Việc thực hiện nghĩa vụ khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn”
-Khác với chậm thực hiện nghĩa vụ, hoãn thực hiện nghĩa vụ là trường hợp bên có nghĩa vụ vẫn được coi là thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, mà không phải chịu trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ. “Hoãn” có nghĩa tạm thời dừng, không tiếp tiếp tục thực hiện công việc đang làm. Do đó, có thể hiểu hoãn thực hiện nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ tạm thời ngừng thực hiện nghĩa vụ trong một quãng thời gian nhất định, tùy vào thỏa thuận của các bên hoặc quy định của pháp luật.
-Bên có nghĩa vụ phải thông bảo cho bên có quyền và đề nghị hoãn thực hiện nghĩa vụ. Trước hết, khi nhận thấy không đủ khả năng để hoàn thành nghĩa vụ đúng hạn, bên mang nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết về việc không thể hoàn thành nghĩa vụ đúng hạn và đề nghị được hoãn thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn nhất định. Việc thông báo là điều cần thiết, vì việc hoãn thực hiện nghĩa vụ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bên có quyền. Nghĩa vụ mà bên mang nghĩa vụ đang thực hiện nhằm phục vụ cho bên có quyền. Do đó, bên có nghãi vụ bắt buộc phải thông báo cho bên có quyền biết. Bên có quyền cần biết về việc nghĩa vụ không thể hoàn thành đúng hạn, để chuẩn bị phương án cần thiết để thay thế. Việc thông báo và đề nghị hoãn thực hiện nghĩa vụ là căn cứ để bên có quyền ra quyết định đồng ý hay không đề nghị của bên mang nghĩa vụ.
-Đây là nghĩa vụ bắt buộc, do đó,nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ, tức không thông báo cho bên có quyền biết thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích cho bên có quyền. Nghĩa vụ không thể hoàn thành đúng hạn có thể do nguyên nhân khách quan mà bên có nghĩa vụ không thể biết trước được, vì vậy, quy định về hoãn thực hiện nghĩa vụ nhằm tạo cơ hội cho bên mang nghĩa vụ có thêm thời gian để hoàn thành nghĩa vụ mà không phải chịu trách nhiệm dân sự. Vậy nên, bên có nghĩa vụ phải chủ động thông báo, và đề nghị được hoãn để bảo vệ lợi ích của chính mình. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo. Ví dụ: bên giao hàng thỏa thuận giao hàng trong vòng 02 tháng, tuy nhiên, trên đường vận chuyển tàu chở hàng gặp bão nên thời gian giao hàng bị chậm lại, mà đường dây liên lạc đã bị hư hỏng. Lúc này, bên vận chuyển không thể thông báo cho bên nhận hàng biết do nguyên nhân khách quan, nên sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do không thông báo cho bên nhận biết về việc thời gian giao hàng bị kéo dài.
-Thứ nhất: bên có quyền đồng ý. Sau khi nhận thông báo và đề nghị của bên có nghĩa vụ, bên có quyền xem xét có đồng ý hay không việc hoãn thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp bên có quyền đồng ý, thì xem như đã có sự thỏa thuận thống nhất ý chí của cả hai bên. Trường hợp khá giống với gia hạn thực hiện nghĩa vụ, tuy nhiên khác ở chỗ nếu gia hạn các bên thỏa thuận về việc gia hạn trong một quãng thời gian nhất định, thì hoãn thực hiện nghĩa vụ thường chưa xác định rõ thời điểm nghĩa vụ sẽ tiếp tục được thực hiện. Trong trường hợp này có thể sau khi hết thời hạn các bên mới xem xét đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ để ấn định thời hạn thực hiện[1].
-Thứ hai: theo quy định của pháp luật. Ngoài trường hợp hoãn thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp bên có quyền đồng ý, thì pháp luật cũng quy định về trường hợp hoãn thực hiện nghĩa vụ. Ví dụ: Điều 411 BLDS năm 2015 quy định về hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ, cụ thể: “1.Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. 2.Bên phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn”
Luật Hoàng Anh
[1]PGS.TS.Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS.Trần Thị Huệ,(2017), “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”,Nxb.Công an nhân dân.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh