Khái niệm và những đặc trưng cơ bản của hợp đồng chuyển giao công nghệ là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:10 (GMT+7)

Bài viết trình bày về khái niệm và những đặc trưng cơ bản của hợp đồng chuyển giao công nghệ

1. Khái niệm hợp đồng chuyển giao công nghệ

Bản chất pháp lý của hợp đồng chuyển giao công nghệ là giao dịch dân sự  giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao, do đó cơ chế thực hiện giao dịch này là cơ chế hợp đồng, gọi là hợp đồng chuyển giao công nghệ

Theo nghĩa khách quan, hợp đồng chuyển giao công nghệ là tổng thế các quy định pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình chuyển giao công nghệ. Thông qua bộ phận pháp luật Nhà nước đã thể hiện ý chí của mình bằng cách xây dựng một hành lang pháp lý bao gồm những quy tắc giới hạn, tieu chuẩn, thủ tục… mà các bên phải tuân thủ trong quá trình thực hiện giao dịch công nghệ.

Theo phương diện chủ quan hợp đồng chuyển giao công nghệ là hợp đồng ghi nhận sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân chuyển giao cho nhau các đối tượng sở hữu công nghiệp như bí quyết, kiến thức kỹ thuật về công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, phần mềm máy tính, tài liệu thiết kế, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật...Sự thỏa thuận thực chất là việc hai bên thống nhất ý chí để tiến hành giao dịch, và chỉ được coi là thỏa thuận nếu như trong quá trình thống nhất ý chí được dựa trên nguyên tắc bình đẳng, trung thực, tự nguyện

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm chính thức về hợp đồng chuyển giao công nghệ phần nào cho thấy mức độ phức tạp của hợp đồng chuyển giao công nghệ đã dẫn đến việc nhà làm Luật lựa chọn giải pháp an toàn là không đưa ra định nghĩa mà chỉ quy định những yêu cầu cụ thể đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ như đối tượng, nội dung, phương thức…

2. Đặc trưng của hợp đồng chuyển giao công nghệ

a. Hợp đồng chuyển giao công nghệ có đối tượng là công nghệ, với tư cách là một loại “tài sản” đặc biệt

Bản thân công nghệ là một loại tài sản vô hình, giá trị của nó không nằm trong chính những hình thái vật chất mà là khả năng đem lại những giá trị cao hơn trong sản phẩm được áp dụng công nghệ ấy. Đây là điểm đặc thù quan trọng của hợp đồng chuyển giao công nghệ so với những hợp đồng dân sự khác (hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê tài sản…)

b. Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập dưới hình thức văn bản

Theo Khoản 1 Điều 22 Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 quy định hình thức của hợp đồng chuyển giao công nghệ như sau:

“Điều 22. Giao kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ

1. Việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Văn bản hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng.”

Hợp đồng chuyển giao công nghệ rất phức tạp do tính phức tạp của công nghệ, nên pháp luật quy định hình thức của hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản. Đặc trưng của hình thức văn bản là có thể lưu trữ lâu dài, nên các bên có thể dựa vào đó để thực hiện chính xác những cam kết. Bên cạnh đó, hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng văn bản là công cụ pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng nếu có tranh chấp xảy ra.

c. Hợp đồng chuyển giao công nghệ gắn với một số hạn chế liên quan đến các thủ tục đăng ký hoặc cấp phép

Hầu hết các Quốc gia đều phải đối mặt với vấn đề: làm thế nào để khuyến khích phát triển công nghệ thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ nhưng không trở thành “một bãi rác công nghệ”. Chính vì vậy, các Quốc gia thường có chính sách khuyến khích chuyển giao hoặc nhận chuyển giao một só dạng công nghệ, đồng thời hạn chế và ngăn cấm một số hoạt động công nghệ khác. Ở Việt Nam, nếu muốn được hưởng các chính sách ưu đãi, các bên cần phải tiến hành thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ. Một số loại danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao được quy định tại phụ lục II Nghị định 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật chuyển giao công nghệ, việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ chỉ được thực hiện sau khi đã được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư