2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Trong hợp đồng cho thuê tài sản, bên thuê có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tài sản thuê, sử dụng tài sản thuê đúng mục đích. Khi đã hết thời hạn thuê, bên thuê phải trả lại tài sản cùng với tiền thuê và chi phí hao mòn tài sản. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo ràng bên thuê sẽ thực hiện đúng, đầy đủ những nghĩa vụ trên. Trên thực tế, bên thuê có thể là cá nhân, pháp nhân, hoặc một người hoàn toàn xa lạ. Do đó, hình thức bảo đảm ký cược xuất hiện nhằm bảo vệ lợi ích của bên cho thuê tài sản trong hợp đồng thuê tài sản. Điều 329 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về ký cược như sau:
“Điều 329. Ký cược
1. Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.
2. Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê”.
Trong hợp đồng cho thuê tài sản, để đảm bảo bên thuê sẽ trả lại tài sản khi đến hạn và các khoản chi phí phát sinh, các bên đã thỏa thuận về việc bên thuê dùng một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị để ký cược. Căn cứ vào quy định trên, ký cược chỉ áp dụng với hợp đồng thuê tài sản là động sản. Theo đó, bên thuê giao tiền, hoặc vật có giá trị cho bên cho thuê để đảm bảo cho việc trả lại tài sản khi thời hạn thuê chấm dứt. Tài sản ký cược sẽ bị xử lý để đảm bảo cho việc bên thuê không trả lại tài sản, thậm chí có thể được thanh toán cho tiền thuê tài sản hoặc tiền bồi thường thiệt hại nếu tài sản thuê bị hư hỏng, mất giá trị.
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể hình thức bắt buộc đối với biện pháp ký cược. Vì thế hình thức dựa vào thỏa thuận của các bên trong quan hệ. Tùy vào ý chí của các chủ thể, đặc điểm của đối tượng cho thuê, mà các bên có thể xác lập ký cược bằng lời nói, hành vi, hoặc văn bản. Thông thường đối với những tài sản cho thuê có giá trị nhỏ, thì các bên thường xác lập bằng lời nói, hoặc hành vi cụ thể, ví như thuê xe đạp, thuê sách,…Còn đối với những tài sản có giá trị lớn hơn như cho thuê xe oto,…thì thường được xác lập bằng văn bản, hoặc lập biên bản về bàn giao tài sản theo hình thức giấy biên nhận. Trong trường hợp biện pháp ký cược được xác lập theo hình thức văn bản, thì các bên có thể thỏa thuận việc ký cược được ghi nhận bằng các điều khoản trong hợp đồng cho thuê tài sản, mà không nhất thiết phải lập thành văn bản riêng.
Chủ thể của ký cược bao gồm hai bên là bên ký cược và bên nhận ký cược. Bên ký cược là bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, giao cho bên kia để đảm bảo việc trả lại tài sản thuê. Bên ký cược có thể đồng thời là bên có nghĩa vụ trong hợp đồng cho thuê tài sản, hoặc cũng có thể là bên thứ ba dùng tài sản của mình đảm bảo cho bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận ký cược là bên nhận tài sản ký cược, bên ký cược đồng thời là bên cho thuê tài sản, là bên có quyền lợi được bảo đảm.
Tài sản ký cược là tài sản thuộc sở hữu của bên ký cược và phải là tài sản được phép chuyển giao trong giao dịch dân sự. Tài sản ký cược chỉ có thể là động sản (quyền tài sản, bất động sản không phải là đối tượng của biện pháp ký cược), bao gồm: tiền, kim khí quý, đá quý, vật có giá trị. Như vậy, tài sản ký cược phải là tài sản đang tồn tại, bên ký cược phải chuyển giao tài sản cho bên nhận ký cược một cách thực tế, điều đó có nghĩa tài sản hình thành trong tương lai cũng không thể là đối tượng ký cược.
Mục đích của ký cược là nhằm buộc bên thuê phải trả lại tài sản đã thuê, hoặc thông qua tài sản ký cược để bên cho thuê được đảm bảo lợi ích của mình trong trường hợp bên thuê không trả lại tài sản thuê. Do đó, nếu bên thuê trả lại tài sản thuê và tiền thuê như đã thỏa thuận thì bên cho thuê phải trả lại tài sản ký cược. Nghĩa vụ ký cược hình thành cùng lúc và tồn tại song song với nghĩa vụ cho thuê, do đó, khi nghĩa vụ cho thuê được thực hiện đầy đủ, thì nghĩa vụ ký cược cũng chấm dứt hiệu lực với các bên. Trong trường hợp, bên thuê không trả lại tài sản thuê khi đến hạn, thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê. Nếu bên thuê vẫn không chịu trả tài sản thuê, hoặc tài sản đã không còn do hư hỏng, mất mát, thì theo nguyên tắc bên nhận ký cược có quyền xử lý tài sản ký cược để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên cho thuê.
Quy định về ký cược tài sản nhằm bảo vệ quyền lợi của bên nhận ký cược. Vì trên thực tế, bên thuê tài sản có thể chây ỳ không chịu trả lại tài sản thuê, hoặc trong quá trình thuê có thẻ vì nguyên nhân khách quan, hoặc chủ quan mà làm cho tài sản thuê bị hư hỏng, mất mát. Do đó, Ký cược nhằm thỏa mãn nhu cầu được thanh toán của bên nhận ký cược, giảm thiểu rủi ro trong trường hợp họ không nhận lại được tài sản.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh