2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Trong quan hệ bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh là bên có quyền, pháp luật quy định về bảo lãnh để đáp ứng quyền được thanh toán của bên nhận bảo lãnh, bảo lãnh được thiết trên cơ sở thỏa thuận của các bên chứ không mang tính bắt buộc. Vì vậy, bên có quyền có thể từ chối hưởng quyền của mình, bằng cách miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Điều 341 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như sau:
“Điều 341. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
1. Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
3. Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại”.
Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay thế cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên bảo không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Cùng thực hiện một nghĩa vụ với cùng một chủ thể, nhưng với bên được bảo lãnh thì đó là thực hiện nghĩa vụ chính, nhưng đối với bên bảo lãnh thì đó là thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Vậy nên, miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh chỉ xảy ra trong trường hợp bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà họ không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Có thể hiểu, miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là việc bên có nhận bảo lãnh, miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với mình.
Khi phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh, bên có quyền được quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ với mình. Lúc này, chủ thể mà bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ chuyển từ bên có quyền sang bên bảo lãnh. Do đó, nếu bên nhận bảo lãnh miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ với mình, thì nghĩa vụ của bên được bảo lãnh cũng xem như được miễn. Bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp này nghĩa vụ đã được chấm dứt theo quy định tại khoản 3 Điều 372 BLDS năm 2015: “Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ”.
Thông thường, trong quan hệ bảo lãnh thường có một chủ thể bảo lãnh duy nhất, tuy nhiên, đối với những nghĩa vụ lớn, để bảo đảm an toàn cho việc thực hiện nghĩa vụ đòi hỏi phải có nhiều hơn một người bảo lãnh. Trong quan hệ có nhiều bên bảo lãnh, phạm vi bảo lãnh của các bên được chia đều nhau, nhưng các bên cũng có thể thỏa thuận về phạm vi bảo lãnh không đều nhau. Theo đó, khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì mỗi bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh trong phạm vi bảo lãnh của mình. Vì vậy, bên nhận bảo lãnh có thể miễn nghĩa vụ bảo lãnh cho một trong nhiều bên bảo lãnh. Pháp luật quy định nếu chỉ một bên bảo lãnh được miễn thực hiện nghĩa vụ, thì chỉ phần nghĩa vụ đó của họ được miễn, những người còn lại vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi của mình. Quy định này là sự nối tiếp quy định tại khoản 4 Điều 288 BLDS năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ liên đới đã quy định: “Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ”.
Tương tự, bên nhận bảo lãnh tức bên có quyền có thể nhiều hơn một chủ thể, họ được gọi là những người có quyền liên đới. Khoản 1 Điều 289 BLDS quy định: “Nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới là nghĩa vụ mà theo đó mỗi người trong số những người có quyền đều có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”. Nếu đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ, mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có bảo lãnh phải thay thế họ thực hiện nghĩa vụ với tất cả những bên nhận bảo lãnh. Căn cứ vào quy định trên thì một trong số những bên có quyền bằng ý chí của mình có thể miễn thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh, thì chỉ phần nghĩa vụ phải thực hiện với người đó được miễn, cong nghĩa vụ đối với những người có quyền khác vẫn phải thực hiện. Quy định này cũng đã được ghi nhận tại khoản 3 Điều 289 BLDS năm 2015, cụ thể: “Trường hợp một trong số những người có quyền liên đới miễn cho bên có nghĩa vụ không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người có quyền liên đới khác”.
Miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là một hình thức thể hiện ý chí, thỏa thuận của các bên trong quan hệ bảo lãnh. Các bên có thể tự do thỏa thuận về miễn thực hiện nghĩa vụ và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh