2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Nguyên đơn là một trong những chủ thể trong đương sự và nắm giữ vị trí quan trọng trong quá trình tố tụng một vụ án dân sự được quy định đầy đủ về quyền và nghĩa vụ trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nhắc về nguyên đơn, hiểu đơn giản là chủ thể có quyền khởi kiện lên Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và là chủ thể bắt đầu quá trình tố tụng. Bài viết dưới đây tập trung phân tích về những vấn đề lý luận cơ bản của nguyên đơn và nhấn mạnh quyền tự định đoạt của họ được quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 hiện hành.
I. Những vấn lý luận về nguyên đơn trong vụ án dân sự
1. Khái niệm và đặc điểm của nguyên đơn
Việc giao kết và thiết lập các quan hệ dân sự như là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống con người. Trong quá trình đó, việc trao đổi những lợi ích với nhau rồi xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp là một yếu tố khách quan, mang tính quy luật. Từ những nhu cầu thực tế đó, pháp luật đã quy định về các phương thức để giải quyết tranh chấp trong đó có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án, với tư cách là một cơ quan đại diện cho quyền tư pháp, đã trao cho các chủ thể trong xã hội các tư cách pháp lý nhất định và chỉ khi chủ thể ở trong một tư cách nào đó mới có thể sử dụng những quyền năng nhất định. Với chủ thể làm vai trò phát sinh quá trình tố tụng, thể hiện bằng việc nộp đơn kiện thì những chủ thể này được gọi là nguyên đơn.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 68, BLTTDS năm 2015 quy định về nguyên đơn như sau:
“Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn”
Như vậy, ở Việt Nam, nguyên đơn chỉ xuất hiện trong vụ án dân sự (VADS). Và những điều kiện cần để một chủ thể trở thành nguyên đơn trong tố tụng dân sự là họ phải được suy đoán có quyền và lợi ích dân sự hợp pháp bị xâm phạm: Tức là khi vụ việc xảy ra trên thực tế, họ suy đoán, giả thiết được vụ việc đó đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình. Nguyên đơn được coi là một chủ thể đa dạng, đó có thể là người khởi kiện VADS khi đáp ứng những điều kiện luật định hoặc cũng có thể là người được cá nhân,cơ quan, tổ chức được pháp luật trao quyền để khởi kiện thay.
Có thể hiểu rằng, nguyên đơn trong VADS là người tham gia TTDS được giả thiết, suy đoán là có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, tranh chấp nên đã tự mình khởi kiện hoặc được các chủ thể khác theo quy định của pháp luật khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc kiện để yêu cầu toàn án bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng.
2. Năng lực chủ thể của nguyên đơn
Năng lực chủ thể của nguyên đơn bao gồm năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi dân sự trong tố tụng dân sự. Nguyên đơn là một trong những chủ thể của đương sự, là một loại chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự nên khi tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự thì họ đương nhiên phải đáp ứng được những điều kiện này. Theo đó:
Năng lực pháp luật của chủ thể trong tố tụng dân sự là khả năng có các quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Đối với nguyên đơn là cá nhân, năng lực pháp luật có từ khi họ sinh ra đến khi mất đi khi chết. Còn đối với tổ chức có từ khi được thành lập và chấm dứt khi chấm dứt hoạt động, không còn tồn tại. Nội dung của năng lực pháp luật tố tụng dân sự của nguyên đơn bao gồm toàn bộ các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự mà nguyên đơn có được theo quy định của BLTTDS. Năng lực pháp luật của nguyên đơn cũng bình đẳng như chủ thể khác trong đương sự và không thể bị hạn chế hay tước đoạt đi các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự. Đây được xem là một điều kiện cần để tham gia quá trình tố tụng trên thực tế.
Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự. Nếu như năng lực pháp luật là điều kiện cần thì năng lực hành vi là điều kiện đủ, và được xem là yếu tố biến động nhất của năng lực chủ thể. Được xác định bằng khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình tại thời điểm nguyên đơn tham gia quá trình tố tụng tại Tòa án.
II. Nội dung về quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong Tố tụng Dân sự.
1. Quyền khởi kiện vụ án dân sự.
Bàn về quyền khởi kiện VADS, đây là một vấn đề được quy định tại Điều 14 BLDS 2015 về việc Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền với nguyên tắc điều chỉnh tại Điều 4 và được cụ thể hóa tại Điều 69, Điều 186, Điều 187 BLTTDS năm 2015.
“Điều 14. Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền
1. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.
Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài.
Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.
2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng.”
Như vậy, mục đích chính của nguyên đơn khi tiến hành quyền tự định đoạt của mình bao gồm:
Một vấn đề cần quan tâm về quyền khởi kiện đó là “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.Tuy nhiên không phải mọi yêu cầu khỏi kiện của các chủ thể đều được tòa án thụ lý giải quyết. Có giới hạn vụ việc chưa có điều luật để áp dụng mà toà án phải thụ lý đó là vụ việc thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc đó phát sinh, các cơ quan, tổ chức cá nhân yêu cầu tòa án giải quyết nhưng chưa có điều luật áp dụng. Tòa án chỉ có trách nhiệm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn trong việc giải quyết những tranh chấp, yêu cầu phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự
2. Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Vấn đề này được quy định tại Điều 5 về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, và khoản 4 Điều 70 BLTTDS 2015. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhưng không phải mọi giai đoạn tố tụng dân sự mà chỉ có quyền trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm và phiên tòa sơ thẩm:
“Khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền, nghĩa vụ sau đây: Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này”
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm nếu nguyên đơn thay đổi, bổ sung đơn khởi kiện mà vượt quá phạm vi khởi kiện thì yêu cầu đó sẽ không được chấp nhận. Điều 188 quy định về phạm vi khởi kiện đã đặt ra giới hạn của quyền thay đổi, bổ sung đơn kiện của nguyên đơn. Đó là một nguyên đơn hoặc nhiều nguyên đơn có thể khởi kiện một chủ thể hoặc nhiều chủ thể về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan đến nhau để giải quyết cùng một vụ án. Nếu nguyên đơn bổ sung đơn mà yêu cầu giải quyết quan hệ pháp luật mới thì quan hệ mới và quan hệ trước đó đã yêu cầu phải có mối liên hệ với nhau.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.Trong trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút. Như vậy, ở phiên tòa sơ thẩm, vấn đề được đặt ra là không được vượt quá phạm vi yêu cầu, nếu như vượt quá thì việc thay đổi, bổ sung của nguyên đơn sẽ không có giá trị.
3. Quyền rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Quyền rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cũng được quy định tại Điều 5 và khoản 4 Điều 70 và được thực hiện ở rất nhiều giai đoạn của quá trình tố tụng.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết VADS nếu người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan. Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì giải quyết. Như vậy với những trường hợp khác nhau thì hậu quả pháp lý của hành vi cũng khác nhau.
Tại phiên toà sơ thẩm quy định rằng hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu. Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút. Và việc rút ở phiên tòa sơ thẩm có thể làm thay đổi địa vị tố tụng.
Như vậy, về nguyên tắc, việc rút đơn ở hai trường hợp này là giống nhau và chỉ khác ở vấn đề chủ thể có thẩm quyền giải quyết việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong phiên tòa sơ thẩm là Hội đồng xét xử sơ thẩm.
Trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm thì việc rút đơn không quy định nhưng dựa theo tinh thần của Điều 18, NQ 06/2012/NQ-HĐTP. Trường hợp đương sự có kháng cáo (bao gồm cả nguyên đơn) hoặc Viện kiểm sát có kháng nghị, nhưng trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện, thì Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 269 của BLTTDS.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm thì dự vào quy định tại khoản 1 Điều 299. Ngay cả khi nguyên đơn rút đơn ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì việc rút đơn của nguyên đơn vẫn phải đưa ra tòa án phúc thẩm để xem xét.
Trong giai đoạn ở thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, căn cứ vào Điều 346, khoản 3 Điều 356 dẫn chiếu về các căn cứ ở điều 217. Khi nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì đối tượng của vụ tranh chấp không còn tồn tại nên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm phải hủy tất cả bản án đã có hiệu lực, đồng thời quyết định đình chỉ vụ án.
4. Quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm của nguyên đơn.
Điều 271 quy định rằng: “Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”. Nguyên đơn là một trong những chủ thể có quyền kháng cáo. Đối tượng kháng cáo phúc thẩm là bản án sơ thẩm, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên hiện nay, chưa có quy định về giới hạn quyền kháng cáo. Ngoài ra còn quy định về ngày kháng cáo trong trường hợp nguyên đơn đang bị tạm giam hoặc trả lại đơn kháng cáo phúc thẩm và thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn nhằm đảm bảo quyền kháng cáo của nguyên đơn và đây được xem là điểm nổi bật của BLTTDS 2015.
Khoản 4, Điều 70 và Điều 284 Quy định về quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm của nguyên đơn thì đây được xem là giới hạn của quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn của các thời điểm khác nhau phải đảm bảo các điều kiện nhất định. Trong thời hạn kháng cáo, đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án. Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo thì người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu. Trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại Điều 280 thì Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu.
Ngoài ra, trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh