2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Hợp đồng là hình thức pháp lý thích hợp nhất thể hiện bản chất của các quan hệ tài sản. Khi hai bên trong quan hệ hợp đồng thương mại không thực hiện hoặc thực hiện sai, không đúng với những điều khoản quy định trong hợp đồng thì xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế thực hiện hợp đồng, có những hành vi vi phạm xảy ra bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan mà bên vi phạm không thể lường trước được. Do đó, pháp luật thương mại quy định một số trường hợp chủ thể không cần phải thực hiện nghĩa vụ khi vi phạm hợp đồng, được hiểu là miễn trừ trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại.
Nội dung:
I. Thế nào được xem là hợp đồng thương mại?
Theo Điều 385, BLDS 2015, hợp đồng được hiểu “là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Theo Khoản 3, Điều 1, Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại được định nghĩa là “hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.
Hiện nay, chưa có một khái niệm cụ thể về hợp đồng thương mại, nhưng dưới sự điều chỉnh của LTM 2005 và BLDS 2015, hợp đồng thương mại được hiểu là sự thỏa thuận giữa các thương nhân trong việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong hoạt động thương mại.
II. Quy định về miễn trừ đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại trong quy định Luật thương mại năm 2005.
Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ pháp lý để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 351 BLDS năm 2015 quy định “vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung nghĩa vụ”, và Khoản 12 Điều 3 LTM 2005 quy định: “Vi phạm hợp đồng là một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của luật này”.
Để xác định một hành vi vi phạm hợp đồng thương mại và trách nhiệm đặt ra với chủ thể liên quan, được căn cứ vào các yếu tố:
Có hành vi vi phạm hợp đồng thương mại
Hành vi này có thiệt hại xảy ra trên thực tế
Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra
Có lỗi của bên vi phạm
Miễn trừ trách nhiệm hợp đồng trong hợp đồng thương mại là việc bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng thương mại không phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng theo thoả thuận hoặc theo luật quy định.
1. Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận
Thỏa thuận được xem là một vấn đề quan trọng khi hai bên tiến hành giao kết hợp đồng thương mại, trong đó, các bên có thể đã thỏa thuận trước những trường hợp có hành vi vi phạm nhưng lại được miễn trách nhiệm pháp lý. Với việc thực hiện đúng tinh thần của Điều 11 LTM 2005, về nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại chỉ rõ:
“Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại.
Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó. Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào”
Việc quy định trường hợp miễn trách nhiệm vi phạm hợp đồng do thỏa thuận chính là việc pháp luật tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên tham gia vào hợp đồng thương mại. Điều kiện để bên vi phạm hợp đồng thương mại được miễn trách nhiệm trong trường hợp này đó là việc các bên đã thỏa thuận rõ ràng các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng thương mại và đảm bảo các thỏa thuận đó không trái với các quy định pháp luật về hợp đồng thương mại. Thỏa thuận này phải tồn tại trước khi xảy ra vi phạm và có hiệu lực đến thời điểm bên bị vi phạm áp dụng chế tài. Với trường hợp hợp đồng được giao kết bằng văn bản, thì thỏa thuận miễn trách nhiệm được ghi nhận trong nội dung hợp đồng hoặc trong phụ lục hợp đồng. Có trường hợp khi hợp đồng đã ký kết thì các bên vẫn có thể thỏa thuận bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc sửa đổi, bổ sung vào hợp đồng các trường hợp miễn trách nhiệm. Nhưng trường hợp này nếu xảy ra trên thực tế khó có thể giải quyết được bởi tính chất của lời nói và hành vi cụ thể không rõ ràng và khó xác minh.
2. Xảy ra sự kiện bất khả kháng
Sự kiện bất khả kháng là khái niệm được quy định tại khoản 1 Điều 156 BLDS 2015, được hiểu “là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”
BLDS 2015 cũng quy định tại khoản 2 Điều 351“Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Từ quy định này cho thấy, một sự kiện được coi là bất khả kháng để áp dụng quy định miễn trách nhiệm hợp đồng phải thoả mãn các dấu hiệu:
- Sự kiện bất khả kháng xảy ra sau khi các bên đã giao kết hợp đồng, sự kiện đó xảy ra hoàn toàn khách quan, không do yếu tố chủ quan của con người.
- Sự kiện xảy ra không thể lường trước được.
- Sự kiện đó xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
- Sự kiện dẫn đến hậu quả là bên bị ảnh hưởng không thực hiện được đúng nghĩa vụ hợp đồng.
Với cách hiểu như vậy, các trường hợp bất khả kháng có thể bao gồm: Thiên tai, hoả hoạn, chiến tranh, dịch bệnh, đình công, sự thay đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấm vận quốc tế, hiệp hội khu vực hoặc nhóm quốc gia. Tuy nhiên, không phải cứ có sự kiện bất khả kháng là được miễn trách nhiệm hợp đồng, họ chỉ được miễn trách nhiệm khi đã thỏa mãn các điều kiện ở trên. Vì nằm ngoài hoạt động của các bên trong hợp đồng, sự kiện đó không thể khác phục được, nghĩa là mọi sự cố gắng khắc phục đều trở nên vô nghĩa. Khi bên vi phạm được hoàn toàn miễn trách nhiệm hoặc các bên có thể thoả thuận gia hạn một khoảng thời gian hợp lý để tiếp tục thực hiện hợp đồng khi sự kiện bất khả kháng kết thúc. Do đó mà bên vi phạm hợp đồng không phải chịu bất cứ chế tài gì. Đối với hoàn cảnh khó khăn, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình.
3. Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
Trường hợp miễn trách nhiệm khi có hành vi vi phạm hợp đồng thương mại trong trường hợp lỗi của một bên thể hiện nguyên tắc đối xử tương ứng, một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng thì bên còn lại cũng có quyền như vậy. Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Trong đó, lỗi là phản ánh thái độ tâm lý bên trong của chủ thể đối với hành vi vi phạm trái pháp luật và hậu quả của hành vi đó. Lỗi này có thể là lỗi trực tiếp hoặc lỗi gián tiếp của bên bị vi phạm. Đối với bên thứ ba có thể gây ra lỗi trực tiếp hay gián tiếp làm cho một bên trong hợp đồng thương mại vi phạm hợp đồng. Tuy có thể thỏa thuận việc miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng do lỗi của bên thứ ba nhưng việc không quy định có thể dẫn tới nhiều trường hợp do lỗi của bên thứ ba nhưng vẫn được miễn trách nhiệm và có thể gây thiệt hại cho bên bị vi phạm.
4. Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Điều trọng tâm ở quy định này là khi vào thời điểm giao kết hợp đồng, các chủ thể trong hợp đồng không biết trước được những quyết định mà cơ quan nhà nước sắp ban hành nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện hợp đồng của một bên hoặc các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại thì được miễn trách nhiệm. Còn trong trường hợp quyết định đó được hai bên chủ thể biết thì sẽ không được miễn trách nhiệm vi phạm hợp đồng.
Đây đồng thời cũng là trường hợp mà không hề ít trên thực tế nhất là trong bối cảnh đất nước đang không ngừng đổi mới cũng như hoàn thiện các cơ sở hạ tầng của xã hội.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh