2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Chậm tiếp nhận nghĩa là hành vi của bên có quyền, theo đó, mặc dù đã đến thời gian thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng bên có quyền không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó. Đây là hanh vi vi phạm nghĩa vụ của bên có quyền, do đó, bên có quyền phải chịu trách nhiệm dân sự. Điều 359 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm do chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ như sau:
“Điều 359. Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ
Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên đó và phải chịu mọi rủi ro, chi phí phát sinh kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Khi xác lập giao dịch dân sự, các bên thỏa thuận về thời hạn thực hiện và tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ. Khi đến thời hạn theo thỏa thuận, bên nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình, bên có quyền thì có nghĩa vụ tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó có của bên có nghĩa vụ. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, mà bên có quyền không thể tiếp nhận nghĩa vụ đúng hạn, vì vậy, họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Căn cứ vào quy định trên, bên có quyền phải chịu những trách nhiệm sau đây:
- Bồi thường thiệt hại: là một loại trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với bên vi phạm mà gây thiệt hại cho bên còn lại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có thiệt hại thực tế xảy ra, và nguyên nhân dẫn đến thiệt hại đó là do hành vi chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ gây ra. Ví dụ: A thỏa thuận bán cho B một tấn hoa quả nhập khẩu, hai bên đã thỏa thuận thời hạn và địa điểm giao hàng. Tuy nhiên, đến ngày giao hàng mặc dù A đã giao hàng đến đúng thời gian, địa điểm hai bên đã thỏa thuận nhưng B đã không có mặt để nhận hàng, làm hoa quả bị hư hỏng. Trong trường hợp này, A đã thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình, hoa quả bị hư hỏng là do hành vi chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ của B. Do đó, B phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho A.
- Phải chịu rủi ro: là hậu quả bất lợi mà bê chậm tiếp nhận phải gánh chịu khi có thiệt hại xảy ra đối với tài sản vì một lý do khách quan nào đó. Chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ có thể dẫn đến rủi ro cho chính đối tượng của nghĩa vụ, vì vậy, bên có quyền sẽ phải gánh chịu những rủi ro có thể xảy ra. Thông thường, chỉ chủ ở hữu của tài sản mới phải chịu rủi ro về tài sản đó. Tuy nhiên, trong trường hợp này bên có quyền chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ, đó là xuất phát từ lỗi của bên có quyền, vì vậy theo quy định của pháp luật họ phải gánh chịu rủi ro đó. Ví dụ: A thỏa thuận mua của B một tấn đồ đông lạnh, hai bên đã thỏa thuận thời gian, địa điểm giao hàng. Đến ngày giao hàng, B đã giao hàng đến đúng địa điểm, thời gian đã thỏa thuận, tuy nhiên, A đã không đến đúng giờ. Trong thời gian đợi, đồ đông lạnh đã bị hư hỏng một phần. Lúc này, mặc dù tài sản vẫn chưa thuộc sở hữu của A nhưng do lỗi của A tài sản mới bị hư hỏng, do đó A phải chịu rủi ro này.
- Phải thanh toán các chi phí phát sinh: Thực chất trách nhiệm thanh toán các chi phí phát sinh này cũng là một phần của bồi trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bởi, trác nhiệm bồi thường thiệt hại không chỉ đặt ra đối với các thiệt hại trực tiếp từ hành vi gây thiệt hại mà còn bao gồm các thiệt hại gián tiếp đó chính là các chi phí khắc phục thiệt hại[1]. Khoản 2 và 3 Điều 355 BLDS năm 2015 quy định bên có nghĩa vụ có thể gửi giữ tài sản, hoặc áp dụng biện pháp bảo vệ, giữ gìn tài sản, hoặc bán tài sản nếu tài sản đó nguy cơ hư hỏng. Những hành vi đó của bên có nghĩa vụ ít nhiều sẽ làm phát sinh các chi phí liên quan, những chi phí này đều được bên có quyền thanh toán đầy đủ.
- Ngoài ra, pháp luật đã quy định các bên có thể tự do có thỏa thuận khác và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung thì các bên phải đảm bảo thỏa thuận đó không vi phạm điều cầm của luật, và không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác.
Luật Hoàng Anh
[1] PGS.TS.Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS.Trần Thị Huệ,(2017), “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Nxb. Công an nhân dân
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh