Trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là gì? (P2)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:07 (GMT+7)

Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây

Thi hành pháp luật hay thực thi pháp luật là một hệ thống mà một số thành viên của xã hội hành động theo một phong cách có tổ chức để thực thi pháp luật bằng cách khám phá, ngăn chặn, phục hồi, hoặc trừng phạt những người vi phạm luật lệ và các quy tắc chi phối xã hội đó.

Nội dung:

2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Chủ trì hoặc phối hợp trong việc đề xuất, xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, được quy đjnh cụ thể tại Điều 19, Nghị định 81/2013/NĐ-CP, gồm:

Nghiên cứu, rà soát, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Theo dõi việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Sơ kết, tổng kết tình hình thi hành để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Theo dõi chung và báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thống kê, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

- Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quy định cụ thể tại Điều 20, Nghị định 81/2013/NĐ-CP gồm:

Nghiên cứu, biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác xử lý vi phạm hành chính.

Tổ chức phổ biến pháp luật xử lý vi phạm hành chính với nội dung và hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Kiểm tra, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tiến hành thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quy định cụ thể tại Điều 22, Nghị định 81/2013/NĐ-CP bao gồm:

Việc phối hợp thanh tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện được thực hiện trong trường hợp có kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

- [13]Quy định chế độ báo cáo, biểu mẫu thống kê số liệu trong xử lý vi phạm hành chính.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ tư pháp được quy định tại Nghị định 96/2017/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Đây là cơ quan của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Trong xử lý vi phạm hành chính, vai trò của Bộ tư pháp được thể hiện rõ nhất ở việc giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật. Hoạt động quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng, giúp cho các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng một cách đúng hướng, phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính đồng bộ thống nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi, đảm bảo tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Mục đích của quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật là nhằm xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận, dễ thực hiện bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính đồng bộ thống nhất với hệ thống pháp luật và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Để thực hiện tốt chức năng của mình, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật có quyền kiểm soát chất lượng văn bản bằng các công cụ được pháp luật cho phép như kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ đối với các cơ quan xây dựng pháp luật và quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật ở cấp dưới, yêu cầu xử lý văn bản được ban hành trái pháp luật hoặc xử lý văn bản ban hành trái pháp luật theo thẩm quyền.

Chủ thể quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật có quyền tiến hành các hoạt động cần thiết để bảo đảm thực hiện ý chí Nhà nước như: Xây dựng thể chế về xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành các chính sách và pháp luật về xây dựng pháp luật, xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch trong điều hành việc xây dựng pháp luật; các biện pháp về tổ chức, triển khai thi hành luật và các văn bản hướng dẫn thi hành để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến các quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản, bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất và hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Như vậy, Bộ tư pháp có nhiệm vụ thực hiện tốt các công việc về xây dựng pháp luật với những vấn đề cơ bản được nói đến, đặt trách nhiệm ở trung ương với Vụ pháp chế và ở địa phương là các Sở Tư pháp tại các tỉnh thành, bộ phận pháp chế tại các cơ quan chuyên môn. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu là việc triển khai, đôn đốc thực hiện, có những lớp đào tạo giảng viên nguồn để về đào tạo tại cơ quan đơn vị, tập huấn, đào tạo tại chỗ để nâng cao trình  độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực xây dựng pháp luật cho đội ngũ công chức. Đội ngũ những người làm công tác pháp chế và phổ biến, giáo dục pháp luật đã từng bước được củng cố, kiện toàn. Tạo cơ sở cho xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về pháp luật xử lý vi phạm hành chính

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư