Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:07 (GMT+7)

Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ

Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì sẽ làm phát sinh trách nhiệm dân sự. Một trong những loại trách nhiệm dân sự mà bên vi phạm phải gánh chịu được pháp luật công nhận là trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Điều 352 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ như sau:

Điều 352. Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ
Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ”.

1. Nội dung

Trách nhiệm dân sự là hậu quả bất lợi mà bên vi phạm phải gánh chịu khi vi phạm thực  hiện nghĩa vụ. Khoản 1 Điều 351 BLDS quy định: “Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền”. Theo đó, trách nhiệm mà bên vi phạm phải chịu có thể là bồi thường thiệt hại xảy ra, hoặc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Trong đó, pháp luật quy định về tiếp tục thực hiện nghĩa vụ việc bên có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện tiếp nghĩa vụ mà mình vi phạm. Đây là trách nhiệm mà bên vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu khi không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận, thì bên có quyền có thể yêu cầu họ thực hiện tiếp tục nghĩa cụ đó. Quy định này mang tính bao quát, và giúp bảo vệ lợi ích của bên mang quyền một cách tốt nhất, bởi lẽ trong quan hệ nghĩa vụ việc thực hiện nghĩa vụ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của bên mang quyền. Khi xác lập giao dịch với nhau, lợi ích là điều mà các bên đều hướng tới, mà để đáp ứng lợi ích của một bên hoàn toàn phụ thuộc vào việc thực hiện nghĩa vụ của bên còn lại. Do đó, khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ một cách đầy đủ cũng là lúc đáp ứng quyền lợi của bên có quyền một cách trọn vẹn nhất. Bên cạnh đó, đối với loại trách nhiệm này, bên có nghĩa vụ chỉ cần thực hiện nghĩa vụ còn thiếu, mà không cần phải bồi thường, bên có quyền cũng không cần chứng minh thiệt hại xảy ra. 

2. Căn cứ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ

Trách nhiệm thực hiện tiếp nghĩa vụ chỉ có thể được áp dụng khi nghĩa vụ đó vẫn có thể tiếp tục thực hiện được như đối tượng của nghĩa vụ vẫn tồn tại hoặc bên có nghĩa vụ có khả năng thực hiện công việc là đối tượng của nghĩa vụ[1]. Ví dụ: Đối với nghĩa vụ là giao vật là vật đặc định, mà vật đó không còn thì chỉ có thể bồi thường thiệt hại, cụ thể: A thuê của B một chiếc bình cổ, đến thời hạn trả nhưng A không chuyển giao chiếc bình cho B do đã làm vỡ. Lúc này A không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ vì đối tượng đã không còn, nên chỉ có thể bồi thường thiệt hại tương ứng với giá trị của chiếc bình và tiền phạt (nếu có). Bên cạnh đó, việc bên có nghĩa vụ có thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nữa hay không một phần phụ thuộc vào ý chí của bên có quyền. Theo đó, nếu bên có quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ mới cần tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Nếu bên có quyền đã yêu cầu tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, mà bên có nghĩa vụ vẫn không chịu thực hiện nghĩa vụ, thì bên có quyền có thể yêu cầu Tòa án, hoặc cơ quan có thẩm quyền khác buộc bên có nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ để đáp ứng lợi ích của mình bằng biện pháp cưỡng chế. 

Luật Hoàng Anh

[1]PGS.TS.Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS.Trần Thị Huệ,(2017), “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Nxb.Công an nhân dân.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư