Xác lập cầm giữ tài sản?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:06 (GMT+7)

Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Cầm giữ được xác lập dựa trên cơ sở theo quy định tại Điều 347 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 347. Xác lập cầm giữ tài sản
1. Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản”

Đặc điểm nổi bật của hợp đồng song vụ là các bên đều có quyền và thực hiện nghĩa vụ với nhau. Trong quan hệ hợp đồng song vụ, nếu một bên nắm giữ tài sản của bên kia, yêu cầu bên kia phải thực hiện nghĩa vụ thì tài sản mới được chuyển giao, trong trường hợp họ không thực hiện nghĩa vụ, thì bên nắm giữ tài sản có quyền nắm giữ tài sản. Do đó, thời điểm làm phát sinh cầm giữ tài sản là thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ, điều kiện là bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Mặc dù trước khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ, một bên đã nắm giữ tài sản thuộc sở hữu của bên kia, tuy nhiên, việc nắm giữ đó nhằm mục đích thực hiện nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng song vụ, nên không được xem là cầm giữ tài sản. Mà chỉ khi đến hạn, bên nắm giữ có nghĩa vụ giao tài sản, và bên kia cũng phải thực hiện một nghĩa vụ nhất định để nhận lại tài sản, lúc này biện pháp đảm bảo cầm giữ mới phát sinh hiệu lực. Ví dụ: A và B thỏa thuận xác lập hợp đồng gia công, theo đó, A giao cho B một tấm vải yêu cầu B may cho mình một chiếc áo dài, thời hạn là 02 tháng. Trong hợp đồng này A là bên có quyền nhận tiền công từ B, đồng thời có nghĩa vụ may đồ cho B và giao tài sản cho B khi đến hạn; còn B là bên có quyền nhận tài sản từ A khi đến hạn, đồng thời có nghĩa vụ thanh toán tiền cho A. Trong thời hạn 02 tháng, mặc dù A đang nắm giữ tài sản của B là tấm vải, tuy nhiên việc nắm giữ đó nằm trong thỏa thuận xác lập hợp đồng của hai bên, và để thực hiện nghĩa vụ của mình nhằm đáp ứng lợi ích của B. Khi hết thời hạn, thông thường, A sẽ phải giao áo dài cho B, tuy nhiên, vì B không thanh toán tiền công nên A có thể cầm giữ tài sản để ép B phải thực hiện nghĩa vụ của mình, lúc này việc nắm giữ tài sản của A mới được xem là cầm giữ tài sản, và cũng là thời điểm phát sinh biện pháp bảo đảm. 
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 297 BLDS năm 2015, có thể hiểu hiệu lực đối kháng với người thứ ba là quyền truy đòi tài sản cầm giữ của bên cầm giữ. Khoản 1 Điều 297 BLDS năm 2015 quy định về thời điểm làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là: “Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm”. Vì cầm giữ là biện pháp bảo đảm mà bên có quyền nắm giữ trực tiếp tài sản, do đó, thời điểm làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba phát sinh từ khi bên cầm giữ chiếm giữ tài sản. Mà theo như đã phân tích ở trên, thời điểm chiếm giữ tài sản là thời điểm bên có nghĩa vụ không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình với bên có quyền. Bên thứ ba là có quyền lợi liên quan đến tài sản bảo đảm. Ví dụ: A mượn xe của B, trên đường đi thì gặp tai nạn khiến cho xe bị hư hỏng, A đem xe đến cửa hàng của C để sửa chữa, hai bên thỏa thuận thời hạn nhận xe là 02 ngày sau. Sau 02 ngày, khi C đã sửa xong xe cho A, nhưng A lại không có tiền để thanh toán cho C. Lúc này, C được quyền chiếm giữ xe, kể từ thời điểm C chiếm giữ xe làm phát sinh hiệu lực đối kháng với B, theo đó, mặc dù B là chủ sở hữu của chiếc xe nhưng không có quyền đòi lại tài sản từ C, cho đến khi A thanh toán toàn bộ chi phí sửa xe. Quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba, nhằm đảm bảo quyền lợi của bên cầm giữ tài sản.
Thời điểm xác lập biện pháp cầm giữ tài sản có vai trò quan trọng trong việc xác định quyền, nghĩa vụ của các bên. Theo đó, bên cầm giữ chỉ được cầm giữ tài sản khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư