Bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:46 (GMT+7)

Bài viết này trình bày quy định về Bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc theo Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018

 

Ngày nay, trong quá trình phát triển đất nước, công tác đo đạc bản đồ có vai trò quan trọng, phục vụ cho các ngành, các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội, quản lý lãnh thổ, điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể thấy, đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản nhằm bảo đảm thông tin, số liệu đo đạc mặt đất, cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Hiện nay, các công tác đo đạc và bản đồ đang ngày càng được đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả và dần hoàn thiện, hiện đại hóa hạ tầng đo đạc cơ bản để thống nhất sử dụng chung trong toàn quốc.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ nội dung về bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc theo Điều 38 Luật Đo đạc và bản đồ số 27/2018/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2018 (sau đây được gọi là Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018).

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc

Căn cứ khoản 1 Điều 38 Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 quy định như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc, thông báo kịp thời với chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi phát hiện công trình hạ tầng đo đạc bị hư hỏng, phá hoại hoặc có nguy cơ bị hư hỏng, phá hoại.”

Đo đạc là việc thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu để xác định vị trí, hình dạng, kích thước và thông tin thuộc tính của đối tượng địa lý.

Như vậy, công trình hạ tầng đo đạc là những cơ sở hạ tầng được dựng nên, tạo ra nhằm phục vụ công tác đo đạc, bản đồ. Công trình hạ tầng đo đạc gồm có công trình hạ tầng đo đạc cơ bản và công trình hạ tầng đo đạc chuyên ngành.

Theo đó, tổ chức, cá nhân sử dụng mốc đo đạc cần phải giữ gìn bảo vệ và không làm hư hỏng và không được tự ý di dời, phá vỡ công trình hạ tầng đo đạc khi chưa được phép. Những hành vi phá hủy, làm hư hỏng mốc đo đạc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 18/2020/NĐ-CP Quy định vi phạm quy định trong xây dựng, sử dụng, bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc.

Hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc

Nội dung này được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 38 Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018.

Theo đó, công trình hạ tầng đo đạc được xác lập hành lang bảo vệ, quyền sử dụng đất trong hành lang bảo vệ công trình thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc, khi xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình kiến trúc làm ảnh hưởng đến công trình hạ tầng đo đạc, chủ sở hữu công trình kiến trúc, người sử dụng đất phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong đó, Hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc là khoảng không, diện tích mặt đất, dưới mặt đất, mặt nước, dưới mặt nước cần thiết để bảo đảm công trình hạ tầng đo đạc hoạt động đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi xây dựng.

Việc di dời hoặc phá dỡ công trình hạ tầng đo đạc

Khoản 3 Điều 38 Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 quy định như sau:

“3. Việc di dời hoặc phá dỡ công trình hạ tầng đo đạc do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý công trình hạ tầng đo đạc và tổ chức, cá nhân yêu cầu di dời hoặc phá dỡ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”

Theo đó, tổ chức cá nhân mà sử dụng công trình hạ tầng đo đạc cần phải giữ gìn bảo vệ và không làm hư hỏng và không được tự ý di dời mốc đo đạc khi chưa được phép.

Việc di dời, phá dỡ công trình hạ tầng đo đạc sẽ được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh mà công trình hạ tầng đo đạc không thể tiếp tục duy trì sự tồn tại hoặc không hoạt động bình thường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật;

b) Do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, thiên tai làm mất, hư hỏng và tác động ngoại cảnh khác làm mất, hư hỏng, thay đổi vị trí mốc đo đạc;

c) Hết hạn sử dụng, không còn giá trị sử dụng hoặc đã có công trình hạ tầng đo đạc khác thay thế.

Những hành vi phá hủy, làm hư hỏng công trình hạ tầng đo đạc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 18/2020/NĐ-CP Quy định vi phạm quy định trong xây dựng, sử dụng, bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc. Những hành vi này bao gồm:

- Xâm hại các công trình đo đạc, tự ý sử dụng mốc đo đạc khi không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền;

- Tự ý di dời, phá dỡ mốc đo đạc khi không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý mốc đo đạc đó.

- Phá hủy mốc đo đạc làm mất mốc đo đạc;

- Xây dựng, sửa chữa, cải tạo công trình kiến trúc trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư