Luật Đất đai 2024 quy định như thế nào về việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh?

Thứ năm, 26/09/2024, 09:30:13 (GMT+7)

Luật Đất đai 2024 đã có những điều chỉnh nhất định trong quy định về việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Vậy việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh được quy định như thế nào và có những điều chỉnh gì? Điều đó sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Luật Đất đai 2013;

Luật Đất đai 2024;

Nghị định 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Khái niệm thu hồi đất

Khoản 35 Điều 3 Luật Đất đai 2024 định nghĩa khái niệm thu hồi đất như sau:

Nhà nước thu hồi đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người đang sử dụng đất hoặc thu lại đất đang được Nhà nước giao quản lý.

Có thể thấy khái niệm Nhà nước thu hồi đất đã có sự thay đổi nhất định so với Luật Đất đai 2013. Cụ thể tại khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai 2013 đã đưa ra khái niệm nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.

Như vậy, so với quy định cũ, quy định trong Luật Đất đai 2024 đã đã bổ sung thêm trường hợp “thu lại đất đang được Nhà nước giao quản lý”. Điều này giúp cho khái niệm thu hồi đất được cụ thể, minh bạch và rõ ràng hơn.

Các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh

Căn cứ Điều 78 Luật Đất đai 2024, Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh trong trường hợp sau đây:

1. Làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc;

2. Làm căn cứ quân sự;

3. Làm công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh;

4. Làm ga, cảng, công trình thông tin quân sự, an ninh;

5. Làm công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh;

6. Làm kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân;

7. Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí;

8. Làm cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, cơ sở an dưỡng, điều dưỡng, nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân;

9. Làm nhà ở công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân;

10. Làm cơ sở giam giữ; cơ sở tạm giam, tạm giữ; cơ sở giáo dục bắt buộc; trường giáo dưỡng và khu lao động, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, trại viên, học sinh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Có thể thấy Luật Đất đai 2024 đã có một số sửa đổi so với Luật Đất đai 2013 khi bổ sung thêm các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh: (1) Làm công trình thông tin quân sự, an ninh; (2) Làm trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, cơ sở điều dưỡng, nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân; (3) Làm cơ sở tạm giam, tạm giữ; trường giáo dưỡng và khu lao động, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, trại viên, học sinh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh

Khác với Luật Đất đai 2013, pháp luật đất đai hiện hành đã quy định chi tiết hơn về căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Cụ thể như sau:

Căn cứ thu hồi đất

Khoản 1 Điều 80 Luật Đất đai 2024 đã quy định việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh ngoài việc phải nhằm phục vụ các mục đích quy định tại Điều 78 Luật Đất đai 2024 thì phải đồng thời thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Dự án có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Dự án đã có quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

c) Dự án đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;

d) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 84 của Luật này trong trường hợp thu hồi đất liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Trong trường hợp các dự án trên có phân kỳ tiến độ sử dụng đất thì thu hồi đất theo tiến độ của dự án đầu tư được xác định trong văn bản chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Điều kiện thu hồi đất

Điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư theo quy định của Luật này.

Như vậy, để thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, cần dựa trên căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 80 Luật Đất đai 2024 và đáp ứng các điều kiện như sau:

- Hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

- Hoàn thành việc bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi.

Trường hợp thu hồi đất để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nhưng chưa có trong quy hoạch sử dụng đất

Việc thu hồi đất cần dựa vào các căn cứ, điều kiện cụ thể quy định trong Luật Đất đai 2024. Tuy nhiên, trong thực tế, có những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nhưng chưa có trong quy hoạch sử dụng đất.

Trong trường hợp này, Điều 26 Nghị định 102/2024/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết về cách giải quyết. Trước tiên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh nơi có đất thu hồi về việc này kèm theo hồ sơ hoặc trích sao hồ sơ về dự án đầu tư phải thu hồi đất để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và dự kiến thời gian thu hồi đất.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được các văn bản trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh nơi có đất thu hồi có ý kiến bằng văn bản về việc thu hồi đất.

Sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh nơi có đất thu hồi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc thu hồi đất.

Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có đất thu hồi chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất đai.

Trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh

Xây dựng kế hoạch thu hồi đất

Theo khoản 1 Điều 28 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kèm theo hồ sơ dự án do chủ đầu tư gửi đến, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét các căn cứ, điều kiện thu hồi đất để xây dựng kế hoạch thu hồi đất, gồm các nội dung như sau:

a) Thông tin giới thiệu tóm tắt về dự án, bao gồm: tên dự án, chủ đầu tư, địa điểm, diện tích, mục tiêu dự án, tiến độ thực hiện, căn cứ pháp lý và các thông tin khác;

b) Việc tổ chức họp với người có đất trong khu vực thu hồi để phổ biến, tiếp nhận ý kiến;

c) Việc thông báo thu hồi đất;

d) Việc điều tra, khảo sát đo đạc kiểm đếm;

đ) Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

e) Việc thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

g) Việc thực hiện quyết định thu hồi đất;

h) Việc bàn giao quỹ đất đã thu hồi cho nhà đầu tư hoặc giao quản lý quỹ đất đã thu hồi;

i) Một số nội dung khác có liên quan;

k) Dự kiến thời gian thực hiện; phân công tổ chức, đơn vị thực hiện đối với các nội dung trong kế hoạch thu hồi đất.

Trình tự, thủ tục thu hồi đất

Căn cứ theo Điều 87 Luật Đất đai 2024, sau khi tổ chức họp với người dân có đất trong khu vực thu hồi để phổ biến, tiếp nhận ý kiến về dự án triển khai trên vùng đến dự kiến thu hồi và các kế hoạch  bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Nhà nước sẽ triển khai việc thu hồi đất theo trình tự, thủ tục như sau:

(1) UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất;

(2) UBND xã xã nơi có đất thu hồi gửi thông báo thu hồi đất đến từng người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có), đồng thời niêm yết thông báo thu hồi đất và danh sách người có đất thu hồi trên địa bàn quản lý tại trụ sở UBND xã xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi trong suốt thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trường hợp không liên lạc được, không gửi được thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có) thì thông báo trên một trong các báo hàng ngày của trung ương và cấp tỉnh trong 03 số liên tiếp và phát sóng trên đài phát thanh hoặc truyền hình của trung ương và cấp tỉnh 03 lần trong 03 ngày liên tiếp; niêm yết tại trụ sở UBND xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi, đăng tải lên cổng thông tin điện tử của UBND huyện trong suốt thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà không phải gửi thông báo thu hồi đất lại.

Hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất;

(3) UBND xã nơi có đất thu hồi phối hợp với đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các cơ quan có liên quan và người có đất thu hồi thực hiện việc điều tra, khảo sát, ghi nhận hiện trạng, đo đạc, kiểm đếm, thống kê, phân loại diện tích đất thu hồi và tài sản gắn liền với đất thu hồi; xác định nguồn gốc đất thu hồi và tài sản gắn liền với đất thu hồi;

(4) UBND xã nơi có đất thu hồi phối hợp với đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư điều tra, xác định, thống kê đầy đủ các thiệt hại thực tế về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thu hồi; xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; thu nhập từ việc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thu hồi, nguyện vọng tái định cư, chuyển đổi nghề;

(5) Trường hợp người có đất thu hồi không phối hợp trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì UBND xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vận động, thuyết phục để tạo sự đồng thuận trong thực hiện.

Việc tổ chức vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 15 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi vẫn không phối hợp điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, nếu không chấp hành thì Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 88 của Luật Đất đai 2024.

 

Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương. Quy định rõ hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất để người dân biết, chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư