Nguồn hình thành quỹ đất do tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác là từ đâu?

Thứ sáu, 20/09/2024, 09:57:34 (GMT+7)

MỤC LỤC

MỤC LỤC

 

Pháp luật đất đai 2024 đã có một bước tiến bộ mới khi bổ sung một chương mới hoàn toàn trong Luật Đất đai 2024 về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất. Để hiểu rõ hơn về nội dung của chương này, bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc làm rõ nội dung về nguồn hình thành của quỹ đất do tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác.

Căn cứ pháp lý

Luật Đất đai 2013;

Luật Đất đai 2024;

Nghị định 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Quy định về tổ chức phát triển quỹ đất

Khái quát về tổ chức phát triển quỹ đất

Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trung tâm phát triển quỹ đất là tổ chức phát triển quỹ đất, là đơn vị sự nghiệp công lập do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập trực thuộc UBND cấp tỉnh. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND cấp huyện.

Trung tâm phát triển quỹ đất được thành lập để tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất tại địa phương. Do là đơn vị sự nghiệp công lập nên cơ cấu tổ chức, bộ máy, cơ chế tự chủ của Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Trung tâm phát triển quỹ đất có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản để hoạt động.

Nguồn thu tài chính của tổ chức phát triển quỹ đất

Theo khoản 2 Điều 115 Luật Đất đai 2024, nguồn tài chính của tổ chức phát triển quỹ đất được phân bổ từ ngân sách nhà nước và ứng vốn từ quỹ phát triển đất. Cụ thể được quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:

a) Kinh phí từ ngân sách nhà nước phân bổ theo quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp (...);

c) Nguồn vốn được phân bổ từ ngân sách nhà nước, ứng từ Quỹ phát triển đất hoặc Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác để thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng;

đ) Nguồn vốn từ liên doanh, liên kết để thực hiện các chương trình, phương án, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

e) Nguồn viện trợ, tài trợ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Khái quát về quỹ phát triển đất

Theo Điều 114 Luật Đất đai 2024, quỹ phát triển đất của địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập để ứng vốn phục vụ các nhiệm vụ thuộc chức năng của tổ chức phát triển quỹ đất, thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Quỹ phát triển đất có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Nguồn tài chính của quỹ phát triển đất được phân bổ từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Khoản ứng vốn để thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng của tổ chức phát triển quỹ đất, thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các nhiệm vụ khác được hoàn trả quỹ phát triển đất theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp về việc quyết định phân bổ ngân sách địa phương để cấp vốn điều lệ và hoàn ứng cho quỹ phát triển đất đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương.

Nguồn hình thành quỹ đất do tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác

Theo khoản 1 Điều 113 Luật Đất đai 2024, UBND cấp tỉnh giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác quỹ đất được hình thành từ các nguồn sau đây:

Đất quy định tại khoản 5 Điều 86 Luật Đất đai 2024

Loại đất quy định tại khoản 5 Điều 86 Luật Đất đai 2024 là loại đất được Nhà nước thu hồi nhưng chưa giao, chưa cho thuê, cụ thể như sau:

Đất đã thu hồi theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật này mà chưa giao, chưa cho thuê sử dụng tại khu vực đô thị thì giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác, sử dụng; tại khu vực nông thôn thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

Đất thu hồi theo quy định lại Điều 78 và Điều 79 Luật Đất đai 2024 là đất thu hồi vì mục đích quốc phòng an ninh và đất thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Như vậy, loại đất này nếu chưa giao, chưa cho thuê sử dụng tại khu vực đô thị sẽ được giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác, sử dụng.

Đất thu hồi trong trường hợp quy định tại khoản 26 và khoản 27 Điều 79 của Luật này để đấu giá quyền sử dụng đất

Đất thu hồi trong trường hợp quy định tại khoản 26 và khoản 27 Điều 79 Luật Đất đai 2024 là để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cụ thể bao gồm:

- Dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển;

- Thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn.

Có thể thấy hai loại đất này là đất dùng để thực hiện các dự án phục vụ mục đích quốc gia, công cộng và được giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Đất thu hồi theo quy định tại Điều 81, các điểm a, b, c, d khoản 1 và khoản 2 Điều 82 của Luật này tại khu vực đô thị

Các loại đất trong trường hợp này là đất thu hồi tại khu vực đô thị do vi phạm pháp luật về đất đai và do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất trừ trường hợp thu hồi đất trong trường hợp đã bị thu hồi rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Đất chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý, thu hồi do sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công

Điểm d khoản 1 Điều 113 Luật Đất đai 2024 quy định chi tiết về loại đất này như sau:

Đất chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý, thu hồi do sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trừ trường hợp nhà, đất đó được xử lý theo hình thức điều chuyển hoặc bố trí sử dụng vào mục đích của Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Như vậy, ngoại trừ trường hợp được xử lý theo hình thức điều chuyển hoặc bố trí sử dụng vào mục đích của Nhà nước, đất chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý, thu hồi do sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác.

Đất có nguồn gốc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hằng năm mà Nhà nước thu hồi đất giao quản lý

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Như vậy, đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hằng năm có nguồn gốc từ việc chuyển đổi này mà bị thu hồi thì sẽ giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý.

Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản được trả lại theo quy định trong hợp đồng thuê đất

Khoản 1 Điều 205 Luật Đất đai 2024 quy định về đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản như sau:

Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản bao gồm đất để thăm dò, khai thác khoáng sản và khu vực các công trình phụ trợ cho hoạt động khoáng sản.

Có thể thấy, đây là loại đất giàu tài nguyên, giàu tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội nên việc giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác sẽ giúp quỹ đất này được khai thác một cách hiệu quả hơn.

Đất hình thành từ hoạt động lấn biển sử dụng vốn ngân sách nhà nước

Theo khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai 2024, khái niệm “lấn biển” được định nghĩa như sau:

Lấn biển là việc mở rộng diện tích đất trong phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm về phía biển thuộc vùng biển Việt Nam.

Loại đất được hình thành từ việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động này cũng được giao cho tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác.

Đất thu hồi trong trường hợp quy định tại khoản 29 Điều 79 Luật Đất đai 2024

Loại đất trong trường hợp này là đất thu hồi để thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Luật Đất đai 2024 đã có những bước tiến mới khi tiếp tục khẳng định Nhà nước có chính sách bảo đảm về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đưa loại đất này vào quỹ đất để tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện quản lý, phát triển, khai thác sẽ giúp nguồn đất này được tiếp cận gần hơn đến đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đảm bảo hơn về quỹ đất sinh hoạt và sản xuất của họ.

 

Như vậy, bài viết đã trình bày cụ thể về nguồn hình thành quỹ đất do tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác. Đây cũng là một điểm mới quan trọng của Luật Đất đai 2024 so với Luật Đất đai 2013.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư