Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản là gì? Pháp luật quy định như thế nào về việc bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:02 (GMT+7)

Bài viết trình bày về ác nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản và việc việc bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất

Bên cạnh việc bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư, Nhà nước còn bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh cho người sử dụng đất khi thu hồi đất. Vậy nguyên tắc của việc bồi thường này là gì và pháp luật quy định như thế nào về việc bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất - một trong các loại bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh

Điều 88, Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (sau đây gọi tắt là Luật đất đai năm 2013) quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh như sau: 

+ Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.

+ Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.

Việc pháp luật quy định như vậy là vô cùng chặt chẽ bởi lẽ, khi Nhà nước thu hồi đất, chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền trên đất, tổ chức hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh là những chủ thể phải chịu thiệt hại trực tiếp liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Do vậy, pháp luật quy định như vậy nhằm tăng thêm sự chặt chẽ, tránh tình trạng có những đối tượng lợi dụng, không bị thiệt hại nhưng vẫn đòi bồi thường.

2. Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất 

Điều 89, Luật đất đai năm 2013 quy định về việc bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

2.1. Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần 

Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế.

Xem thêm: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9411 : 2012 về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở liền kề.

2.2. Bồi thường đối với nhà ở, công trình xây dựng khác gắn liền với đất không nằm trong quy định tại mục a khi Nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần

Đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất không thuộc trường hợp tại mục a, khi Nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của Chính phủ.

Cụ thể Điều 9, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về việc bồi thường trong trường hợp này như sau: 

a. Mức bồi thường nhà, công trình bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình đó.

+ Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định bằng (=) tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của nhà, công trình đó nhân (x) với giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành.

+ Khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng mức bồi thường không quá 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại.

b. Công thức xác định giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại

TgT = G1 - (G1/T) x T1

Trong đó:

Tgt: Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại;

G1: Giá trị xây mới nhà, công trình bị thiệt hại có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành;

T: Thời gian khấu hao áp dụng đối với nhà, công trình bị thiệt hại;

T1: Thời gian mà nhà, công trình bị thiệt hại đã qua sử dụng.

c. Bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần mà phần còn lại không sử dụng được. 

Khi đó, người sử dụng đất được bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình. 

Trường hợp nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần, những vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại thì bồi thường phần giá trị công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ.

d. Bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật 

Đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành ban hành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Xem thêm: Thông tư 01/2021/TT-BXD ngày 19/05/2021 của Bộ Xây dựng về việc ban hành QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng (có hiểu lực từ ngày 05/07/2021).

2.3. Bồi thường đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp tại mục 1, mục 2.

Khi đó, mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Luật Hoàng Anh 

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư