Pháp luật đất đai quy định như thế nào về việc điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất?

Thứ hai, 30/09/2024, 04:07:50 (GMT+7)

Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất. Vậy đó là những quy định gì? Điều đó sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Luật Đất đai 2013;

Luật Đất đai 2024;

Nghị định 101/2024/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai.

Nguyên tắc điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất

Điều 51 Luật Đất đai 2024 quy định về các nguyên tắc điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất bao gồm:

1. Bảo đảm kịp thời, khách quan, phản ánh đúng thực trạng tài nguyên đất.

2. Thực hiện trên phạm vi cả nước, các vùng kinh tế - xã hội, đơn vị hành chính cấp tỉnh và bảo đảm liên tục, kế thừa.

3. Nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện điều tra, đánh giá đất đai; khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng với Nhà nước thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.

4. Cung cấp kịp thời thông tin, số liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và nhu cầu thông tin đất đai cho các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo và các nhu cầu khác của Nhà nước và xã hội.

Nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình đánh giá, thống kê, kiểm kê đất đai, đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá đất đai nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng suy thoái, ô nhiễm đất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đất, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung quy định về nguyên tắc điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai gồm 04 nguyên tắc theo hướng đảm bảo các yếu tố về: thời gian, không gian, kinh phí thực hiện; phục vụ công tác quản lý Nhà nước và nhu cầu xã hội.

Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai

Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai

Khoản 1 Điều 52 quy định các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai bao gồm:

a) Điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai;

b) Điều tra, đánh giá thoái hóa đất;

c) Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất;

d) Quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất;

đ) Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề.

Quy định trên đã có sự thay đổi nhất định so với quy định này tại Luật Đất đai năm 2013 trước đây. Cụ thể, Luật Đất đai 2024 đã tách hoạt động điều tra, đánh giá thoái hóa đất và điều tra, đánh giá ô nhiễm đất thành hai hoạt động độc lập, song song nhau. Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ, cải tạo nâng cao chất lượng, phục hồi quỹ đất. Việc tách thành hai hoạt động cũng giúp khoanh vùng, đánh giá toàn diện đối với diện tích đất bị thoái và và đất bị ô nhiễm, có biện pháp để khắc phục, phục hồi đất.

Xuất phát từ những ý nghĩa quan trọng của việc thống kê, kiểm kê đất đai giúp Nhà nước đánh giá hiện trạng sử dụng đất và làm cơ sở để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, đồng thời, cung cấp thông tin, số liệu để làm căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở đề xuất việc điều chỉnh chính sách, pháp luật về đất đai, Luật Đất đai năm 2024 đã tách hoạt động thống kê, kiểm kê đất đai ra khỏi một khoản trong nội dung các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai thành một Mục riêng để quy định chi tiết nội dung, trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện hoạt động này.

Việc điều tra, phân hạng đất nông nghiệp trong Luật Đất đai năm 2013 đã được quy hoạch thành một nội dung trong hoạt động điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai tại khoản 1 Điều 53 Luật Đất đai 2024 nên không còn được nhắc đến trong quy định này.

Hoạt động điều tra, thống kê biến động giá đất, theo dõi biến động giá đất cũng không còn được quy định trong Luật Đất đai 2024 do các quy định về giá đất tại Luật Đất đai 2024 đã có những thay đổi đáng kể. Trước đây, theo Luật Đất đai 2013 thì khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần, khi đó, hoạt động điều tra, thống kê giá đất, theo dõi biến động giá đất là cần thiết để làm cơ sở xây dựng khung giá đất, bảng giá đất các kì tiếp theo. Sang đến Luật Đất đai năm 2024 khi bảng giá đất được xây dựng hằng năm thì việc điều tra, thống kê giá đất, theo dõi biến động giá đất không còn nhiều ý nghĩa. Vì vậy, Luật Đất đai năm 2024 đã không còn quy định về hoạt động này.

Luật Đất đai năm 2024 bổ sung thêm hoạt động điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề. Thực tế, hoạt động này đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 Luật Đất đai 2013 khi quy định về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai nhưng lại chưa được quy định trong nội dung điều luật về “Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai”. Để khắc phục thiếu xót này, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung thêm hoạt động điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề vào nội dung của điều này để đảm bảo tính logic, thống nhất giữa các quy định pháp luật.

Thời gian thực hiện các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai

Trên cơ sở bổ sung hoạt động điều tra, đánh giá theo chuyên đề là một hoạt động trong điều tra, đánh giá đất đai. Luật Đất đai năm 2024 cũng bổ sung quy định làm rõ ý nghĩa của việc điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề, từ đó, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai có cơ sở để xem xét, có kế hoạch thực hiện hoạt động trên khi thấy cần thiết. Do đó, hoạt động điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề cũng không được quy định về thời gian thực hiện mà được thực hiện theo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, cụ thể như sau:

2. Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề được thực hiện để điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất đối với loại đất cụ thể theo yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai tại một thời điểm xác định.

3. Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện theo định kỳ 05 năm một lần. Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này thực hiện theo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai.

Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định một khoản riêng về thời hạn thực hiện các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai. Trong đó, các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất và ô nhiễm đất định kỳ 05 năm một lần. Thực tế, thời hạn này đã được quy định trong nội dung tại điểm a khoản 1 Điều 33 Luật Đất đai 2013 khi quy định về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai.

Nội dung điều tra, đánh giá đất đai

Theo Điều 53 Luật Đất đai 2024, nội dung điều tra, đánh giá đất đai bao gồm: (1) Nội dung điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, (2) Nội dung điều tra, đánh giá thoái hóa đất, (3) Nội dung điều tra, đánh giá ô nhiễm đất, (4) Nội dung quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất

1. Nội dung điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai bao gồm:

a) Khoanh vùng, xác định vị trí, diện tích và phân mức chất lượng đất đối với các loại đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng theo các đặc điểm thổ nhưỡng, địa hình, tính chất vật lý, tính chất hóa học, tính chất sinh học và điều kiện khác;

b) Khoanh vùng, xác định vị trí, diện tích và phân mức tiềm năng đất đai đối với các loại đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng trên cơ sở phân mức chất lượng đất và hiệu quả sử dụng đất theo các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường;

c) Khoanh vùng các khu vực đất cần bảo vệ, xử lý, cải tạo và phục hồi;

d) Lập bản đồ chất lượng đất, bản đồ tiềm năng đất đai; xây dựng và cập nhật dữ liệu chất lượng đất, tiềm năng đất đai vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

2. Nội dung điều tra, đánh giá thoái hóa đất bao gồm:

a) Khoanh vùng, xác định vị trí, diện tích đất bị thoái hóa đối với các loại đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng theo từng loại hình thoái hóa gồm: đất bị suy giảm độ phì; đất bị xói mòn; đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; đất bị kết von, đá ong hóa; đất bị mặn hóa; đất bị phèn hóa;

b) Xác định xu hướng, nguyên nhân và dự báo nguy cơ thoái hóa đất;

c) Khoanh vùng các khu vực đất bị thoái hóa cần xử lý, cải tạo và phục hồi;

d) Lập bộ bản đồ thoái hóa đất; xây dựng và cập nhật dữ liệu thoái hóa đất vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

3. Nội dung điều tra, đánh giá ô nhiễm đất bao gồm:

a) Khoanh vùng, xác định vị trí, diện tích đất bị ô nhiễm theo loại hình ô nhiễm bao gồm ô nhiễm kim loại nặng, ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, ô nhiễm chất độc khác đối với các loại đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất được quy hoạch xây dựng khu dân cư đô thị, nông thôn;

b) Xác định xu hướng, nguồn gây ô nhiễm và dự báo, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm đất;

c) Khoanh vùng các khu vực đất bị ô nhiễm cần xử lý, cải tạo và phục hồi;

d) Lập bộ bản đồ đất bị ô nhiễm; xây dựng và cập nhật dữ liệu ô nhiễm đất vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

4. Nội dung quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất bao gồm:

a) Xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc cố định trên phạm vi cả nước;

b) Xác định chỉ tiêu, tần suất quan trắc;

c) Theo dõi diễn biến chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất và dự báo, cảnh báo sớm các biến đổi bất thường;

d) Cập nhật dữ liệu quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất vào cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Về nội dung điều tra, đánh giá đất đai, Luật Đất đai năm 2024 đã tách thành một điều riêng quy định về nội dung điều tra, đánh giá đất đai, theo hướng quy định cụ thể hóa nội dung điều tra, đánh giá đất đai đối với từng hoạt động (đối với 04 hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Đất đai năm 2024). Cụ thể như sau:

- Đối với 03 hoạt động: điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất; điều tra, đánh giá thoái hóa đất và điều tra, đánh giá ô nhiễm đất, nội dung thực hiện bao gồm các nhóm công việc sau:

(i) Khoanh vùng, xác định vị trí, diện tích đất; (ii) Xác định xu hướng, nguyên nhân và dự báo nguy cơ tác động xấu đến đất và (iii) Lập bản đồ đối với diện tích đất khoanh vùng, cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

- Đối với hoạt động quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất gồm các công việc sau:

+ Xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc cố định trên phạm vi cả nước và xác định chỉ tiêu, tần suất quan trắc: nhằm phục vụ việc quan trắc lâu dài, ổn định và liên tục.

+ Theo dõi diễn biến chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất và dự báo, cảnh báo sớm các biến đổi bất thường: giúp phát hiện kịp thời, hạn chế tối đa các ảnh hưởng, tác động xấu đối với tài nguyên đất.

+ Cập nhật dữ liệu quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất vào cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai: phục vụ công tác theo dõi và quản lý nhà nước.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư