Quy hoạch sử dụng đất ở các cấp được quy định như thế nào?

Thứ sáu, 18/10/2024, 04:13:32 (GMT+7)

Luật Đất đai 2024 đã có những điều chỉnh nhất định trong quy định về quy hoạch sử dụng đất ở các cấp. Vậy Luật Đất đai 2024 đã quy định như thế nào và có những điều chỉnh gì? Điều đó sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Luật Đất đai 2013;

Luật Quy hoạch 2017;

Luật Đất đai 2024;

Nghị định 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Khái niệm quy hoạch sử dụng đất

Khoản 36 Điều 3 Luật Đất đai 2024 định nghĩa khái niệm “quy hoạch sử dụng đất” như sau:

Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất và khoanh vùng đất đai cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng đơn vị hành chính cho thời kỳ xác định.

Có thể thấy, khái niệm này đã có sự thay đổi nhất định so với quy định trong Luật Đất đai 2013. Trong khi, khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai 2013 định nghĩa “quy hoạch sử dụng đất” là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định. Luật Đất đai 2024 đã định nghĩa lại khái niệm này theo hướng không khoanh vùng theo không gian sử dụng và chỉ cần đáp ứng nhu cầu sử dụng đất đối với từng đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia

Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2024 quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia như sau:

a) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; quy hoạch tổng thể quốc gia; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực;

b) Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội;

c) Hiện trạng sử dụng đất, biến động đất đai, chất lượng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia kỳ trước;

d) Nhu cầu, khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương;

đ) Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.

Về cơ bản, các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia vẫn kế thừa các quy định trong luật cũ. Tuy nhiên,  Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung một số căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, gồm có:

+ Biến động đất đai, chất lượng đất;

+ Khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương;

+ Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.

Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Cụ thể, khoản 2 Điều 24 Luật Quy hoạch 2017 quy định quy hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực;

b) Dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất;

c) Xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ mới;

d) Định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng;

đ) Định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp;

e) Xác định không gian đất chưa sử dụng;

g) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Xây dựng và cập nhật dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh

Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh

Dựa trên các căn cứ chung trong việc lập quy hoạch được quy định tại Điều 20 Luật Quy hoạch năm 2017:

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển.

2. Quy hoạch cao hơn.

3. Quy hoạch thời kỳ trước.

Khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2024 đã kế thừa và cụ thể hóa các căn cứ lập quy hoạch đối với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Sự bổ sung này vừa đảm bảo tuân thủ các căn cứ chung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật trước đó, vừa đảm bảo quy định được cụ thể hóa đến từng cấp quy hoạch.

Cụ thể, căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm:

a) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia;

b) Các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có sử dụng đất cấp quốc gia, liên tỉnh;

c) Quy hoạch tỉnh;

d) Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của đơn vị hành chính cấp tỉnh;

đ) Hiện trạng sử dụng đất, biến động đất đai, chất lượng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước của tỉnh;

e) Nhu cầu, khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương; nguồn lực đầu tư công và các nguồn lực khác;

g) Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.

Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh

Để phù hợp với nội dung của Điều 65 Luật Đất đai 2024, nội dung về phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh cũng được sửa đổi thành các nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Theo đó, Luật mới để chi tiết hóa, liệt kê các nội dung cần có trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, gồm có:

a) Định hướng sử dụng đất được xác định trong quy hoạch tỉnh, tầm nhìn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;

b) Xác định chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia và chỉ tiêu sử dụng đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh;

c) Xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy định tại điểm b khoản này đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;

d) Xác định ranh giới, vị trí, diện tích khu vực lấn biển để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp;

đ) Khoanh vùng các khu vực sử dụng đất cần quản lý nghiêm ngặt, gồm: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên;

e) Phân kỳ quy hoạch sử dụng cho từng kỳ kế hoạch 05 năm theo các nội dung quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản này;

g) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; xây dựng và cập nhật dữ liệu quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Các tỉnh không phải là thành phố trực thuộc Trung ương không phải lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh nhưng phải phân kỳ quy hoạch sử dụng đất cho từng kỳ kế hoạch 05 năm theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 65 Luật Đất đai 2024.

Thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch chung được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch chung để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Trường hợp quy hoạch chung được phê duyệt sau khi phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà làm thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì không phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch chung để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện

Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện

Khoản 1 Điều 66 Luật Đất đai 2024 quy định về các căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện bao gồm:

a) Quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch đô thị của thành phố trực thuộc Trung ương đối với trường hợp không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

b) Các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành;

c) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện;

d) Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của đơn vị hành chính cấp huyện;

đ) Hiện trạng sử dụng đất, biến động đất đai, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ trước của cấp huyện;

e) Nhu cầu, khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp xã; đối với việc xác định nhu cầu sử dụng đất ở, đất khu đô thị, đất khu dân cư nông thôn được xác định trên cơ sở dự báo dân số, điều kiện hạ tầng, cảnh quan, môi trường theo quy định của pháp luật về xây dựng;

g) Định mức sử dụng đất, tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.

Trong Luật Đất đai 2013, một số căn cứ để lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện còn thiếu, chưa phù hợp với hệ thống quy hoạch mới trong Luật Quy hoạch 2017. Chẳng hạn như quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo Luật Đất đai 2013 phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Nhưng hiện nay, hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017 không còn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà chỉ có quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, việc thiếu quy hoạch vùng, quy hoạch không gian cũng gây khó khăn trong việc đánh giá đúng hiện trạng sử dụng đất hiện nay ở các địa phương và nhiều yếu tố khác cũng làm cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thường được xây dựng chậm về thời gian và thiếu nhiều căn cứ cần thiết

Do đó, để thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch cũng như tình hình thực hiện quy hoạch trên thực tế, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung một số căn cứ như sau:

- Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch đô thị của thành phố trực thuộc trung ương đối với trường hợp không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

- Căn cứ vào các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành;

- Căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện;

- Đối với việc xác định nhu cầu sử dụng đất ở, đất khu đô thị, đất khu dân cư nông thôn được xác định trên cơ sở dự báo dân số, điều kiện hạ tầng, cảnh quan, môi trường theo quy định của pháp luật về xây dựng

Có thể thấy, các căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được chi tiết, cụ thể và chặt chẽ hơn so với luật cũ. Điều này dẫn đến công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng được thực hiện một cách kĩ càng, bao quát hơn, cần đảm bảo sự phù hợp với các quy hoạch cấp trên và tình hình sử dụng đất thực tế trên địa bàn.

Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện

Từ sự điều chỉnh về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, pháp luật đất đai đã quy định về nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện như sau:

a) Định hướng sử dụng đất, tầm nhìn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm phù hợp, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn;

b) Xác định chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được thể hiện thông tin đến đơn vị hành chính cấp xã;

c) Xác định chỉ tiêu sử dụng đất theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện và cấp xã;

d) Xác định diện tích và khoanh vùng các khu vực đã được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 2 Điều 65 của Luật này, trong đó xác định diện tích các loại đất để bảo đảm chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số;

đ) Xác định ranh giới, vị trí, diện tích khu vực lấn biển để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp;

e) Phân kỳ quy hoạch sử dụng đất 05 năm cấp huyện theo các điểm b, c, d và đ khoản này;

g) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; xây dựng và cập nhật dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Quận, thành phố, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã thuộc tỉnh đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện mà căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương để lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Đối với những khu vực không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 66 Luật Đất đai 2024 mà đã có quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được phê duyệt thì việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải cập nhật định hướng không gian sử dụng đất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo thời kỳ quy hoạch sử dụng đất.

Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh

Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh là quy hoạch ngành quốc gia.

Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh bao gồm các căn cứ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ sau đây:

a) Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia;

b) Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của quốc gia;

c) Hiện trạng sử dụng đất và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ trước;

d) Nhu cầu, khả năng sử dụng đất quốc phòng, an ninh.

Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; rà soát, xác định vị trí, diện tích, ranh giới đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; xác định vị trí, diện tích, ranh giới đất quốc phòng, an ninh không còn nhu cầu sử dụng để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư