Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:58 (GMT+7)

Bài viết trình bày về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại Điều 62, Luật đất đai năm 2013

 

Bên cạnh việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cũng là một trong các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích chung. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về vấn đề này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Căn cứ tại Điều 62, Luật đất đai 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (sau đây gọi tắt là Luật đất đai năm 2013) quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cụ thể như sau:

Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bao gồm: 

1. Trường hợp thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất

Căn cứ tại Điều 7, Luật đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/06/2019, dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí sau đây:

+ Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên;

+ Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: nhà máy điện hạt nhân; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

+ Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

+ Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;

+ Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

2. Trường hợp thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất

Các dự án này bao gồm:

+ Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);

+ Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia;

+ Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải.

3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất 

Các dự án này bao gồm: 

+ Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương;

+ Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;

+ Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

+ Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

+ Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.

Từ các quy định trên, ta có thể thấy, pháp luật đã quy định khá rõ ràng về vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khi thu hồi đất, người sử dụng đất sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới các quyền và lợi ích hợp pháp của mình như mất nơi ăn chốn ở, mất nghề nghiệp… Do vậy, để tạo ra tâm lý an tâm cho người dân, đồng thời hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích của Nhà nước và người bị thu hồi đất, Nhà nước cần phải hết sức thận trọng khi thu hồi đất, cân đối được giữa lợi ích của các bên và chỉ thu hồi đất trong những trường hợp thật sự cần thiết. Cùng với đó, cũng cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về quy trình, thủ tục thu hồi đất 

Có thể thấy, Luật đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể, rõ ràng về những trường hợp cần thiết mà Nhà nước phải thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc quy định như vậy đã góp phần hạn chế việc thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế một cách tràn lan, hạn chế được tình trạng lạm quyền khi tiến hành thu hồi đất. 

Xem thêm:

Thông báo thu hồi đất được quy định như thế nào?

Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật được quy định như thế nào?

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư