Việc cắm mốc giới đối với đồ án quy hoạch đô thị được thực hiện ra sao?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:02 (GMT+7)

Bài viết trình bày về việc cắm mốc giới đối với đồ án quy hoạch đô thị

Khái quát về quy hoạch đô thị và cắm mốc giới với đồ án quy hoạch đô thị 

Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy hoạch đô thị là một phần của quy hoạch xây dựng. 

Căn cứ tại Khoản 4, Điều 3, Luật quy hoạch đô thị năm 2009, Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị. Quy hoạch đô thị bao gồm 03 loại quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Quy hoạch đô thị được thể hiện qua đồ án quy hoạch đô thị.

Mốc giới được hiểu là một điểm mốc để phân cách các phần trong quy hoạch đô thị. 

Điều 2, Thông tư 10/2016/TT-BXD quy định mốc giới cắm ngoài thực địa bao gồm mốc tim đường, mốc chỉ giới đường đỏ, mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng theo hồ sơ cắm mốc giới đã được phê duyệt, trong đó: 

- Mốc tim đường là mốc xác định tọa độ và cao độ vị trí các giao Điểm và các Điểm chuyển hướng của tim đường, có ký hiệu TĐ

- Mốc chỉ giới đường đỏ là mốc xác định đường ranh giới phân định giữa phần lô đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật, có ký hiệu CGĐ.

- Mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng là mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng; khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và các khu vực cần bảo vệ khác, có ký hiệu RG.

Các quy định về cắm mốc giới đối với đồ án quy hoạch chung 

Quy hoạch chung là một trong các loại quy hoạch đô thị. Quy hoạch chung là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững. Quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới.

Điều 11, Thông tư 10/2016/TT-BXD quy định về việc cắm mốc giới đối với đồ án quy hoạch chung như sau: 

- Đối với thành phố trực thuộc trung ương, các mốc giới cắm ngoài thực địa bao gồm:

+ Mốc tim đường các đường phố chính đô thị dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong thành phố;

+ Mốc chỉ giới đường đỏ các đường phố chính đô thị dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong thành phố;

+ Mốc giới xác định ranh giới khu vực cấm xây dựng; khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và các khu vực cần bảo vệ khác.

- Đối với thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn, đô thị mới và khu chức năng đặc thù, các mốc giới cắm ngoài thực địa bao gồm:

+ Mốc tim đường các đường phố chính và đường khu vực dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong đô thị, khu chức năng đặc thù;

+ Mốc chỉ giới đường đỏ các đường phố chính và đường khu vực dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong đô thị, khu chức năng đặc thù;

+ Mốc giới xác định ranh giới khu vực cấm xây dựng; khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và các khu vực cần bảo vệ khác.

Các quy định về cắm mốc giới đối với đồ án quy hoạch phân khu 

Bên cạnh quy hoạch chung thì quy hoạch phân khu cũng là một trong các loại quy hoạch đô thị.

Quy hoạch phân khu là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hoá nội dung quy hoạch chung. Quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới;

Căn cứ tại Điều 12, Thông tư 10/2016/TT-BXD, viêcc cắm mốc giới đới với đồ án quy hoạch phân khu bao gồm: 

- Mốc tim đường các tuyến đường dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong khu vực quy hoạch;

- Mốc chỉ giới đường đỏ các tuyến đường dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong khu vực quy hoạch;

- Mốc giới xác định ranh giới khu vực cấm xây dựng, bao gồm các mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng, khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và khu vực cần bảo vệ khác trong khu vực quy hoạch.

Các quy định về cắm mốc giới đối với đồ án quy hoạch chi tiết 

Cùng với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng là một trong các loại quy hoạch đô thị. 

Điều 13, Thông tư 10/2016/TT-BXD quy định về cắm mốc giới đối với đồ án quy hoạch chi tiết như sau: 

Các mốc giới cắm ngoài thực địa bao gồm:

- Mốc tim đường các tuyến đường, tuyến ngõ dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong khu vực quy hoạch;

- Mốc chỉ giới đường đỏ các tuyến đường, tuyến ngõ dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong khu vực quy hoạch. Trên thân mốc chỉ giới đường đỏ phải thể hiện rõ các thông số quy định về chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng;

- Mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng, bao gồm các mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng, khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và khu vực cần bảo vệ khác trong khu vực quy hoạch.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Quy hoạch đô thị

Luật Hoàng Anh 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư