Quyền sử dụng đất của hộ gia đình được cấp quyền trước ngày 01/01/2025 được quy định như thế nào?

Thứ ba, 24/09/2024, 02:46:18 (GMT+7)

Luật Đất đai 2024 đã bỏ hộ gia đình khỏi các đối tượng có quyền sử dụng đất. Điều này dẫn đến việc pháp luật Đất đai cần có những quy định liên quan để xử lý quyền sử dụng đất của các hộ gia đình được cấp quyền trước đó. Vậy pháp luật đất đai đã có quy định như thế nào? Vấn đề này sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây. 


Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015;

Luật Cư trú 2020;

Luật Đất đai 2024;

Nghị định 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.


Chủ thể hộ gia đình trong pháp luật đất đai

Khái niệm hộ gia đình

Hộ gia đình được ghi nhận tại khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2024 như sau:

Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Theo đó, pháp luật đất đai 2024 quy định chủ thể hộ gia đình có quyền sử dụng đất bao gồm các điều kiện sau:

  • Có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;
  • Đang cùng chung sống;
  • Có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm Nhà nước cấp quyền sử dụng đất trước ngày 01/01/2025.

Như vậy, kể từ sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, chủ thể hộ gia đình sẽ không còn thuộc đối tượng được xác lập quyền sử dụng đất.

Lý do Luật Đất đai 2024 loại bỏ chủ thể “hộ gia đình” khỏi nhóm người sử dụng đất

Nguyên nhân chính của việc loại bỏ chủ thể hộ gia đình là vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà trên Giaasy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình.

Để có thể xem xét toàn diện về vấn đề này, cần tham chiếu các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hộ gia đình như sau: Các thành viên của hộ gia đình là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết (Theo Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015). Theo đó, quyền sở hữu chung của các thành viên trong gia đình được xác định tại Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trong khi đó, tại Luật Cư trú năm 2020 đã quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, việc kê khai đăng ký thay đổi nơi thường trú được thực hiện trên cơ sở dữ liệu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình cư trú, di chuyển, sinh sống, làm ăn. Nếu vẫn duy trì chủ thể hộ gia đình và căn cứ trên mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng sẽ phần nào làm ảnh hướng lớn đến các quyền của các chủ thể là cá nhân.

Do vậy, các quy định của pháp luật đất đai hiện hành là cơ sở, tiền đề để giảm dần các hoạt động có sự tham gia của chủ thể hộ gia đình. Thực tiễn, chủ thể hộ gia đình tham gia vào các giao dịch dân sự ngày càng hạn chế nên việc quy định như vậy là cần thiết, phù hợp.


Xử lý quyền sử dụng đất của các hộ gia đình có trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành

Theo quy định tại Điều 259 Luật Đất đai 2024 về việc xử lý quyền sử dụng đất của hộ gia đình có trước ngày 01/01/2025, đối với hộ gia đình sử dụng đất được xác định theo quy định của pháp luật đất đai trước đó thì được tham gia quan hệ pháp luật về đất đai với tư cách nhóm người sử dụng đất có chung quyền sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai 2024. Cụ thể như sau:

2. Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau:

a) Nhóm người sử dụng đất bao gồm thành viên hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân theo quy định của Luật này.

Trường hợp trong nhóm người sử dụng đất có thành viên là tổ chức kinh tế thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế theo quy định của Luật này;

b) Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện đăng ký biến động hoặc tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì các thành viên cùng nhau thực hiện hoặc ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.

Như vậy, hộ gia đình sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Do vậy, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình để thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt thì phải ghi cụ thể các cá nhân là thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất vào quyết định giao đất, cho thuê đất (khoản 2 Điều 259 Luật Đất đai 2024).

Khoản 3 Điều 259 Luật Đất đai 2024 quy định về việc xử lý quyền của hộ gia đình được giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trước ngày Luật này có hiệu lực như sau:

3. Hộ gia đình được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại. Khi hết thời hạn sử dụng đất thì được gia hạn sử dụng đất theo hình thức giao đất, cho thuê đất cho các cá nhân là thành viên hộ gia đình đó theo quy định của Luật này.

Theo đó, trong trường hợp này, các hộ gia đình được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại và khi hết thời hạn sẽ được gia hạn sử dụng đất theo hình thức giao đất, cho thuê đất cho các cá nhân là thành viên hộ gia đình đó.

Ngoài ra, căn cứ khoản 4 Điều 112 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, hộ gia đình mà đang sử dụng đất nông nghiệp trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất thì thời hạn sử dụng đất là 50 năm tính từ ngày cấp GCNQSDĐ.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư