Phân loại các hình thức cạnh tranh

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:48 (GMT+7)

phân loại các hình thức cạnh tranh

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Việc phân loại các hình thức cạnh tranh giúp chúng ta nghiên cứu rõ bản chất của từng loại cạnh tranh xuất hiện trong nền kinh tế thị trường. Dựa vào nhiều căn cứ khác nhau, từ đó, các hình thức cạnh tranh được chia thành nhiều nhóm, nhiều loại khác nhau phục vụ cho hoạt động nghiên cứu về mặt lý luận cũng như xây dựng chính sách cạnh tranh trên thực tiễn.

1. Căn cứ vào tính chất và mức độ can thiệp của Nhà nước vào đời sống kinh tế, cạnh tranh được chia thành hai loại, đó là: Cạnh tranh tự do và cạnh tranh có sự điều tiết của nhà nước.

1.1. Cạnh tranh tự do: Cạnh tranh tự do được hiểu là hình thức cạnh tranh thoát khỏi mọi sự can thiệp của nhà nước. Đây là mô hình cạnh tranh mà ở đó, các chủ thể kinh doanh tham gia cuộc tranh đua hoàn toàn chủ động, tự do ý chí trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch kinh doanh của mình. Theo Adam Smith – người Scotland (1723 – 1790), sự phát triển kinh tế phải tuân thủ quy luật kinh tế khách quan tự phát và luôn có sự điều tiết của bàn tay vô hình vào hoạt động của thị trường. Ông cho rằng, sự tự do, tự nó đã sản sinh ra hệ thống điều tiết các quan hệ và các lợi ích thị trường. Trong khi chạy theo lợi ích cá nhân của mỗi nhà kinh doanh thì có “bàn tay vô hình” buộc con người phải thực hiện nhiệm vụ không nằm trong dự kiến là đáp ứng lợsi ích xã hội. Bởi vậy, cạnh tranh tự do tự nó đã tạo ra những quyền lực cần thiết để điều tiết và phân bổ các nguồn lực một cách tối ưu, do đó nhà nước không cần can thiệp sâu vào đời sống thị trường.

1.2. Cạnh tranh có sự điều tiết của nhà nước: Cạnh tranh có sự điều tiết của nhà nước là hình thức cạnh tranh được can thiệp bằng các chính sách cạnh tranh của nhà nước để điều tiết, hướng các quan hệ cạnh tranh vận động và phát triển theo trật tự nhất định, đảm bảo tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng. Nền kinh tế thị trường càng phát triển thì những hành vi cạnh tranh trong kinh doanh ngày càng đa dạng, phong phú. Bên cạnh ưu thế giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt thì quá trình cạnh tranh này làm nảy sinh không ít các hành vi làm hạn chế cạnh tranh, dẫn đến thủ tiêu cạnh tranh. Do đó, xã hội và thị trường cần phải có quyền lực nhà nước đứng trên các chủ thể kinh doanh để bảo vệ cạnh tranh, để ngăn chặn, trừng phạt những hành vi xâm hại đến trật tự công bằng của thị trường.

2. Căn cứ vào đặc tính, cấu trúc của thị trường (bao gồm số lượng người mua và bán, loại hàng hóa được sản xuất, bản chất của rào cản gia nhập thị trường), cạnh tranh được chia làm cạnh tranh hoàn hảo, độc quyền và cạnh tranh không hoàn hảo.

2.1. Cạnh tranh hoàn hảo là hình thức cạnh tranh diễn ra trên thị trường bao gồm những đặc tính sau:

(i) Có sự tham gia của nhiều người bán và nhiều người mua trên thị trường: Thị phần của người bán và khả năng tiêu thụ của người mua đều nhỏ, đến mức không ai có đủ sức mạnh tác động tới giá cả sản phẩm;

(ii) Sản phẩm do những người bán cung ứng không có sự khác biệt dẫn đến các sản phẩm trên thị trường được bán ở cùng một mức giá;

(iii) Các chủ thể kinh doanh tự do gia nhập và rút lui khỏi thị trường, không có bất kỳ rào cản nào. (Từ chính sách pháp luật, chính sách kinh tế,…)

Đây là hình thức cạnh tranh khó tồn tại trên thực tế. Do vậy, thị trường cạnh tranh hoàn hảo là mô hình thị trường lý tưởng cho cạnh tranh, là đích mà mọi hoạt động cạnh tranh hướng tới.

2.2. Độc quyền, là một loại hình cạnh tranh tồn tại trên thị trường, có thể khái quát một số đặc trưng về độc quyền như sau:

(i) Chỉ có một chủ thể duy nhất cung ứng hoặc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường mà không có sản phẩm thay thế cùng loại gần giống với nó;

(ii) Doanh nghiệp độc quyền là người quyết định giá sản phẩm đối với loại mặt hàng nhất định. Họ có thể nâng giá hoặc hạ giá sản phẩm để thu được lợi nhuận độc quyền lớn nhất;

(iii) Rào cản gia nhập thị trường rất lớn làm cho các doanh nghiệp khác rất khó khăn hoặc không thể tham gia thị trường được.

2.3. Cạnh tranh không hoàn hảo: Cạnh tranh không hoàn hảo diễn ra trên thị trường có sự khuyết đi của một trong các yếu tố của cạnh tranh hoàn hảo.

3. Căn cứ vào tính chất của các phương thức cạnh tranh, cạnh tranh được chia thành cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh.

3.1. Cạnh tranh lành mạnh là hình thức cạnh tranh công khai, công bằng và ngay thẳng giữa các đối thủ cạnh tranh. Cạnh tranh lành mạnh phải đảm bảo các tiêu chí: (i) Có mục đích thu hút khách hàng, (ii) Tuân thủ các quy định của Pháp luật, (iii) Tôn trọng truyền thống, tập quán kinh doanh, đạo đức kinh doanh, (iv) Cạnh tranh bằng tiềm năng vốn có của doanh nghiệp.

3.2. Cạnh tranh không lành mạnh là hình thức cạnh tranh được thực hiện bởi các phương thức không lành mạnh nhằm mục đích gây phản cạnh tranh, cạnh tranh không công bằng. Ví dụ như hành vi phá giá, khuyến mại với mục đích lôi kéo khách hàng của đối thủ,…

4. Căn cứ vào tác động bất lợi của hành vi cạnh tranh gây ra đối với môi trường cạnh tranh, pháp luật của một số nước đã chia cạnh tranh thành hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

4.1. Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi lạm dung sức mạnh của mình, sức mạnh của thị trường khiến tình trạng cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo. Hành vi hạn chế cạnh tranh bao gồm bốn dạng hành vi: (i) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, (ii) Lạm dụng vị trí thống lĩnh, (iii) Lạm dụng vị trí độc quyền, (iv) Tập trung kinh tế.

4.2. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi nhằm mục đích cạnh tranh trái với chuẩn mực đạo đức, đi ngược với thông lệ thiện chí, trung thực trong kinh doanh, gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh hoặc bộ phận người tiêu dùng.

Như vậy, có rất nhiều cách phân loại cạnh tranh, mỗi cách phân loại đều phản ánh bản chất của từng loại cạnh tranh đó. Việc phân loại cạnh tranh giúp các chủ thể tham gia hoạt động cạnh tranh nắm rõ từng mô hình cạnh tranh để từ đó, dựa trên những nguồn lực sẵn có của mình cũng như tình hình kinh tế thị trường, chính sách pháp luật lựa chọn được mô hình cạnh tranh phù hợp, phù hợp với các quy định của Pháp luật về cạnh tranh.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư