Vai trò và ý nghĩa của hoạt động cạnh tranh?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:48 (GMT+7)

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Như chúng ta đã biết, cạnh tranh là một hiện tượng kinh tế xã hội phổ biến, xuất hiện trong cơ chế kinh tế thị trường. Vậy vai trò và ý nghĩa của hoạt động này đối với các doanh nghiệp, đối với bộ phận người tiêu dùng là gì? Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động cạnh tranh được quy định như thế nào?

1. Với vai trò là một môi trường vận động của cơ chế thị trường và tồn tại như một quy luật khách quan, cạnh tranh có những vai trò quan trọng như sau:

1.1. Cạnh tranh là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Cạnh tranh được coi là một sự chay đua kinh tế giữa các thành phần, tổ chức kinh tế trong xã hội. Đã là một cuộc đua, cạnh tranh đòi hỏi các đối thủ phải có sức mạnh tiềm lực (về năng lực tài chính, về nguồn nhân sự,…) và kỹ năng để thu hút về mình ngày càng nhiều khách hàng. Do vậy, các doanh nghiêp luôn luôn phải tạo ra các sản phẩm có chất lượng ngày càng cao với giá thành ngày càng thấp để chiếm ưu thế hơn so với đối thủ. Quy luật đào thải được thể hiện ở chỗ, doanh nghiệp nào có tiềm lực, có chiến lược kinh doanh đúng đắn thì sẽ tồn tại và phát triển, doanh nghiệp nào không đáp ứng được các nhu cầu của thị trường thì sẽ bị loại khỏi cuộc đua.

1.2. Cạnh tranh khuyến khích việc áp dụng khoa học, kỹ thuật mới, cải tiến công nghệ nhằm kinh doanh có hiệu quả. Trong kinh doanh, doanh nghiệp nào có sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường với giá cả phải chăng sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và thu lợi nhuận cao. Do vậy, vấn đề áp dụng các khoa học kỹ thuật mới, với công nghệ tiên tiến, hiện đại hướng tới giảm thiểu chi phí đầu vào, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm đầu ra luôn được chú trọng. Vì vậy, cạnh tranh là động lực để phát triển khoa học, kỹ thuật công nghệ cao.

1.3. Dưới góc độ của người tiêu dùng, cạnh tranh dẫn đến giá thấp hơn cho người tiêu dùng và làm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Trong điều kiện môi trường có hoạt động cạnh tranh diễn ra, sự lựa chọn và sức tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng là sự phản ánh chính xác nhất các yêu cầu về chất lượng cũng như thị hiếu của hàng hóa đó. Do vậy, cạnh tranh là tiền đề để các doanh nghiệp, các nhà sản xuất liên tục cải tiến chất lượng sản phẩm, đưa ra giá thành phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn đối với loại hàng hóa, sản phẩm phù hợp với nhu cầu và mong muốn của mình.

1.4. Cạnh tranh buộc các doanh nghiệp cũng như các quốc gia phải sử dụng các nguồn lực đặc biệt là nguồn tài nguyên một cách tối ưu nhất. Khi tham gia thị trường có tính cạnh tranh, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa phải cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng khi sử dụng các nguồn lực của chính mình, các nguồn lực kinh tế chính trị xã hội khác từ bên ngoài vào hoạt động kinh doanh. Họ phải tính toán cụ thể để sử dụng các nguồn lực này một cách hợp lý và mang lại hiệu quả lớn nhất. Do đó các nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài nguyên phải được sử dụng một cách hợp lý để phát huy hết khả năng vốn có đưa lại năng suất, chất lượng cao.

2. Chính từ những vai trò quan trọng nêu trên, hoạt động cạnh tranh được nhà nước coi như là một mối quan hệ xã hội cần phải chịu sự điều chỉnh bằng quyền lực Nhà nước, đảm bảo cho hoạt động cạnh tranh được diễn ra công bằng, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 6 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh, như sau:

Điều 6. Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh

1. Tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch.

2. Thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Tạo điều kiện để xã hội, người tiêu dùng tham gia quá trình giám sát việc thực hiện pháp luật về cạnh tranh.”

3. Nhìn chung, pháp luật về cạnh tranh hướng tới bảo vệ thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng và minh bạch. Các hoạt động cạnh tranh nhằm hướng tới môi trường cạnh tranh lành mạnh đều được Nhà nước và Pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, các quy định Pháp luật về cạnh tranh cũng điều chỉnh, nhằm kiểm soát các loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các hành vi hạn chế cạnh tranh,… các chế tài xử lý, xử phạt phù hợp tùy thuộc vào từng mức độ gây thiệt hại của từng hành vi vi phạm cụ thể pháp luật về cạnh tranh.

Tóm lại, môi trường cạnh tranh là một môi trường đòi hỏi các doanh nghiệp luôn phải vận động và đổi mới. Đây là tiền đề quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới, do vậy, Nhà nước đã có những chính sách Pháp luật phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động cạnh tranh, hướng tới tạo lập cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư