Khái niệm và đặc điểm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:48 (GMT+7)

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Hoạt động cạnh tranh tồn tại các thỏa thuận giữa các chủ thể với nhạu, các thỏa thuận này gây ra hạn chế cạnh tranh, khuyến khích cạnh tranh hay trung tính (không hạn chế cũng không khuyến khích cạnh tranh). Thỏa thuận có tính chất hạn chế cạnh tranh là một đối tượng điều chỉnh của Pháp luật cạnh tranh. Vậy thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là gì? Đặc điểm của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như thế nào?

1. Khoản 4 điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 đã định nghĩa về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như sau:

4. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.”

Từ định nghĩa, trên có thể thấy, một hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sẽ bao gồm các yếu tố cấu thành sau:

1.1. Thỏa thuận được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào, bằng văn bản hay là thỏa thuận miệng; dưới dạng văn bản hay điện tử; công khai hay ngầm thỏa thuận;…

1.2. Chủ thể của thỏa thuận là các bên, nghĩa là có ít nhất 02 tổ chức, cá nhân tham gia vào thỏa thuận, có liên quan với nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định;

1.3. Việc thực hiện thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Như vậy, có thể hiểu, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là sự thống nhất của hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ cạnh tranh, gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

2. Bên cạnh việc đưa ra khái niệm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Điều 11 Luật cạnh tranh 2018 còn quy định các thỏa thuận bị coi là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, như sau:

Điều 11. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

1. Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

2. Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

3. Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

4. Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

5. Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.

6. Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.

7. Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.

8. Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

9. Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.

10. Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.

11. Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.”

Như vậy, quy định đối với các thỏa thuận là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là một điều khoản quét; theo đó, các thỏa thuận khác tuy không được quy định cụ thể trong luật những vẫn có thể bị cấm nếu thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Có thể thấy, quy định này bao quát và đảm bảo tính linh hoạt, khả thi khi áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc quy định như cũng có thể dẫn đến sự sai lệch, không thống nhất trong áp dụng đối với từng vụ việc cụ thể xảy ra trên thực tiễn.

3. Từ định nghĩa về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm đối với các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, như sau:

3.1. Chủ thể tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là các doanh nghiệp hoạt động độc lập. Các doanh nghiệm tham gia thỏa thuận phải độc lập với nhau và không phụ thuộc vào nhau. Việc quyết định có tham gia thỏa thuận hay không là phụ thuộc vào ý chí độc lập của các bên, không chịu sự tác động của bất kỳ ai, nếu có sự ép buộc thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh như tập đoàn ra quyết định buộc công ty thành viên phải thi hành thì không còn là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể diễn ra giữa các doanh nghiệp là đối thủ trên cùng thị trường liên quan hoặc không phải đối thủ của nhau.

3.2. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh chỉ được hình thành khi có sự thống nhất về ý chí của các bên tham gia thỏa thuận. Sự thỏa thuận dựa trên cơ sở thống nhất về ý chí cũng như nhất quán trong hành động của các bên tham gia. Do đó, sự thống nhất ý chí là điều kiện tiên quyết trong việc hình thành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

3.3. Hậu quả của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Khi tham gia thỏa thuận, các doanh nghiệp sẽ hình thức một nhóm doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh đáng kể và có thể gây thiệt hại cho khách hàng khi đặt ra các điều kiện bất lợi hoặc gây thiệt hại cho các doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận.

Tóm lại, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là sự thống nhất ý chí giữa các chủ thể độc lập với nhau gây tác động hoặc đe dọa gây tác động hạn chế cạnh tranh. Khái niệm “Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh” được quy định cụ thể, chi tiết trong Luật Cạnh tranh 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong việc ngăn chặn, loại bỏ các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh công bằng, tiến bộ.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư