2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Thuế luôn luôn gắn với Nhà nước nên bất kỳ Nhà nước nào cũng có quyền thu thuế. Tuy nhiên Nhà nước trao cho các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc thu thuế và quản lý thuế giúp cho mình. Dù được trao quyền năng nhưng các chủ thể quản lý thuế không được phép lạm quyền, vụ lợi hay gây khó khăn cho người nộp thuế. Để kiểm soát và ngăn ngừa điều này, Luật Quản lý thuế 2019, tại Điều 6 đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế. Theo đó có 08 hành vi bị cấm, cụ thể là:
Một là, Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế. Đây là hành vi gây thiệt hại to lớn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước. Hành vi này không chỉ xuất phát từ ý muốn trốn thuế của người nộp thuế mà còn thể hiện sự tắc trách của công chức được Nhà nước tin tưởng giao cho nhiệm vụ quản lý thuế. Những công chức quản lý thuế hay cơ quan này vì lợi ích cá nhân mà đã vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý thuế cũng như đạo đức nghề nghiệp.
Hai là, Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế. Hành vi này thể hiện tính lạm dụng quyền lợi Nhà nước. Nhà nước trao cho công chức thuế quyền lực để thu thuế, quản lý thuế chứ không phải để dựa vào đó mà gây khó dễ cho doanh nghiệp, người dân.
Ba là, Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế. Tiền thuế sau khi thu về phải được nộp ngay vào ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ công, vì lợi ích xã hội và cộng đồng. Để tránh việc có những công chức thuế vì lý do nào đó mà sử dụng nguồn tiền này vào mục đích riêng hoặc chiếm đoạt để sử dụng luôn thì Nhà nước phải đưa ra quy định trên.
Bốn là, Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp. Cuối mỗi kỳ tính thuế, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải quyết toán thuế để nộp về cho các cơ quan thuế, nếu chậm nộp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tương tự như thế, cơ quan, cá nhân được giao nhiệm vụ thu thuế, quản lý thuế cũng phải thực hiện việc kê khai một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời để không ảnh hưởng đến hoạt động chi tiêu của Nhà nước.
Năm là, Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ. Những hành vi cản trở này là sự không hợp tác, gây khó khăn cho công chức quản lý thuế trong công tác thực thi pháp luật thuế, làm ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động thu thuế.
Sáu là, Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật. Mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ được cấp một mã số thuế riêng. Việc dùng mã số thuế của người khác hay cho người khác sử dụng mã số thuế của mình sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không chỉ cho cơ quan quản lý thuế mà còn cho chính cá nhân người sử dụng sai. Bởi số thuế mỗi cá nhân, tổ chức phải nộp là khác nhau, các khoản được giảm, miễn trừ cũng khác nhau.
Bảy là, Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn. Thông qua hóa đơn, Nhà nước mới gián tiếp kiểm soát được hoạt động kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp để từ đó xác định thu nhập tính thuế mà họ phải đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Nếu không xuất hóa đơn đồng nghĩa với việc trốn thuế.
Tám là, Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm khiến Nhà nước phải khắc phục hậu quả về hệ thống cho người nộp thuế. Việc này rất phức tạp bởi thông tin người nộp thuế được cập nhật hàng tháng, quý, năm, việc truy lại các thông tin đã mất là việc vô cùng khó, chưa kể đến các khoản lãi, lỗ được kết chuyển trong thu nhập của các doanh nghiệp và cả vấn đề hoàn thuế, nợ thuế,…
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh