2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Chủ tịch Hội đồng thành viên doanh nghiệp nhà nước do ai bổ nhiệm? Và có những quyền và nghĩa vụ gì? Luật Hoàng Anh xin được giải đáp thông qua bài viết này.
1. Thẩm quyền bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên
Theo Khoản 1 Điều 95 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“Điều 95. Chủ tịch Hội đồng thành viên
1. Chủ tịch Hội đồng thành viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Hội đồng thành viên không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty và doanh nghiệp khác.”
Như vậy, thẩm quyền bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên thuộc về cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cơ quan đại diện chủ sở hữu là cơ quan, tổ chức được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước 2014). Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ (sau đây gọi là Bộ quản lý ngành)-ví dụ Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật. (Điều 4 Nghị định 10/2019/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 30 tháng 01 năm 2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước).
Ví dụ: Trong doanh nghiệp nhà nước Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), cơ quan đại diện Nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên là Ngân hàng nhà nước. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 23 Quyết định 571/2002/QĐ-NHNN[1], Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên không được đồng thời là Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên
Theo Khoản 2 Điều 95 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ tịch Hội đồng thành viên có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
Xây dựng kế hoạch hoạt động hằng quý và hằng năm của Hội đồng thành viên
Chủ tịch Hội đồng thành viên có nghĩa vụ cùng với các thành viên khác trong Hội đồng thành viên lên kế hoạch, xây dựng nội dung, chương trình hoạt động của Hội đồng thành viên đều đặn từng quý và từng năm.
Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên.
Hội đồng thành viên hoạt động thông qua các cuộc họp. Theo đó, cuộc họp là nơi Hội đồng thành viên cùng nhau bàn bạc giải quyết các vấn đề của công ty. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên có nghĩa vụ chuẩn bị chương trình, nội dung và tài liệu cần thiết liên quan đến nội dung cuộc họp hoặc lấy ý kiến của các thành viên còn lại
Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên
Chủ tịch Hội đồng thành viên có quyền triệu tập, điều hành cuộc họp diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục và chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra phương án giải quyết cuối cùng cho các vấn đề được nêu tại Hội đồng thành viên.
Tổ chức thực hiện quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu và nghị quyết Hội đồng thành viên.
Chủ tịch Hội đồng thành viên phải lên kế hoạch, sắp xếp, bố trí thực hiện quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu và nghị quyết Hội đồng thành viên đã được thông qua một cách hiệu quả nhất.
Tổ chức giám sát, trực tiếp giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của công ty, kết quả quản lý, điều hành của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty.
Chủ tịch Hội đồng thành viên sắp xếp, theo dõi, kiểm tra trực tiếp hoặc gián tiếp và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của công ty, kết quả quản lý, điều hành của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty.
Tổ chức công bố, công khai thông tin về công ty theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực và tính hệ thống của thông tin được công bố.
Chủ tịch Hội đồng thành viên có nghĩa vụ thực hiện công bố công khai thông tin về công ty theo quy định của pháp luật gồm các thông tin về cơ cấu tổ chức, thành viên của ban lãnh đạo,…Luật Doanh nghiệp 2020 chưa có hướng dẫn cụ thể việc công bố, công khai thông của doanh nghiệp nhà nước.
Chủ tịch Hội đồng thành viên phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình được pháp luật quy định. Nếu thực hiện không đúng, không đầy đủ hoặc không thực hiện những quyền và nghĩa vụ kể trên, Chủ tịch Hội đồng thành viên doanh nghiệp nhà nước có thể bị miễn nhiệm, cách chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 95 Luật Doanh nghiệp 2020:
“3. Ngoài trường hợp quy định tại Điều 94 của Luật này, Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể bị miễn nhiệm, cách chức nếu không thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này.”
Thông qua bài viết trên, có thể thấy, pháp luật quy định rõ ràng và chi tiết về các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước.
Luật Hoàng Anh
[1] Quyết định 571/2002/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng ngày 05 tháng 6 năm 2002 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc chuẩn y điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh