2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Trong bài viết này, Luật Hoàng Anh xin giới thiệu tới bạn đọc các vấn đề liên quan đến trả cổ tức theo quy định của pháp luật doanh nghiệp 2020.
Theo Khoản 5 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 giải thích:
“5. Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác.”
Hiểu đơn giản, cổ tức là khoản tiền mặt hoặc tài sản tương đương tiền mặt mà công ty trích ra từ lợi nhuận sau thuế để trả cho mỗi cổ phần mà cổ đông nắm giữ.
Pháp luật doanh nghiệp quy định về vấn đề trả cổ tức cho cổ đông công ty cổ phần theo quy định tại Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể, tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“Điều 135. Trả cổ tức
1. Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi.
2. Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.”
Theo quy định trên, đối với các cổ phiểu ưu đãi, cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi của mỗi loại cổ phiếu ưu đãi khác nhau là khác nhau và tùy thuộc các điều kiện riêng khi chào bán các loại cổ phần ưu đãi.
Đối với cổ phiếu phổ thông, cổ tức trả cho cổ phần phổ thông bằng số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Bên cạnh đó, cổ tức cổ phần phổ thông chỉ được trả khi công ty cổ phần đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, đã trích các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty và đảm bảo khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn sau khi trả cổ tức.
Từ quy định trên, có thể thấy, nguyên tắc ưu tiên chủ nợ chỉ áp dụng đối với cổ đông phổ thông mà không áp dụng đối với mọi cổ đông trong công ty. Sự ưu đãi về thanh toán cổ tức xuất phát từ mối quan hệ giữa các cổ đông trong công ty cổ phần nhằm cân bằng giữa quyền kiểm soát, điều hành công ty với quyền lợi về kinh tế. Theo đó, sự ưu đãi này chỉ có ý nghĩa trong nội bộ các cổ đông với nhau. Còn trong mỗi quan hệ với chủ nợ, các cổ đông này là những người có nghĩa vụ trả nợ và họ buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Theo đó, pháp luật doanh nghiệp nên điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp hơn.
Cổ tức có thể được trả dưới hình thức theo Khoản 3 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020:
“3. Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.”
Hình thức trả cổ phiếu rất đa dạng. Theo đó, cổ tức có thể trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Trong đó, hai cách phổ biến được nhiều công ty cổ phần áp dụng nhất là trả bằng tiền mặt hoặc trả bằng cổ phần.
Trường hợp trả cổ tức bằng tiền mặt, Công ty phải chi trả bằng tiền đồng Việt Nam. Việc chi trả có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các ngân hàng trên cơ sở các thông tin chi tiết về ngân hàng do cổ đông cung cấp. Trường hợp công ty đã chuyển khoản theo đúng các thông tin chi tiết về ngân hàng do cổ đông cung cấp mà cổ đông đó không nhận được tiền, công ty không phải chịu trách nhiệm về khoản tiền chuyển cho cổ đông thụ hưởng. Ngoài ra, công ty có thể áp dụng những hình thức khác như thanh toán bằng sec hoặc lệnh trả tiền gửi bằng bưu điện đến địa chỉ thường trú của cổ đông.
Bên cạnh đó, công ty có thể cho phép cổ đông quyền lựa chọn để nhận cổ tức bằng các cổ phần phổ thông thay cho cổ tức bằng tiền mặt. Những cổ phần bổ sung này được ghi là những cổ phần đã thanh toán hết tiền mua trên cơ sở giá trị của các cổ phần phổ thông bổ sung thay thế cho khoản cổ tức tiền mặt phải tương đương với số tiền mặt của cổ tức theo sự tính toán xác thực nhất.
Theo đó, tại Khoản 4 Điều 135 Luật Doanh nghiệp thì
“4. Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Thông báo về trả cổ tức được gửi bằng phương thức để bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Thông báo phải bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên công ty và địa chỉ trụ sở chính của công ty;
b) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân;
c) Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
d) Số lượng cổ phần từng loại của cổ đông; mức cổ tức đối với từng cổ phần và tổng số cổ tức mà cổ đông đó được nhận;
đ) Thời điểm và phương thức trả cổ tức;
e) Họ, tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty.”
Việc thanh toán cổ tức cho các cổ đông phải hoàn thành đúng thời hạn mà luật quy định. Bên cạnh đó, công ty có nghĩa vụ phải thông báo đầy đủ về việc trả cổ tức và phải đảm bảo bằng phương thức đảm bảo mọi cổ đông có quyền nhận cổ tức đều nhận được thông báo. Nội dung của thông bảo phải đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Việc trả cổ tức cần được lưu ý trong một số trường hợp đặc biệt sau:
Thứ nhất, trong trường hợp cổ đông chuyển nhượng cổ phần của mình trong thời gian giữa thời điểm kết thúc lập danh sách cổ đông và thời điểm trả cổ tức thì cổ đông chuyển nhượng là người nhận cổ tức từ công ty chứ không phải cổ đông mới. (Khoản 5 Luật Doanh nghiệp 2020)
Thứ hai, trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần. Tuy nhiên, công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức (Khoản 6 Luật Doanh nghiệp 2020).
Bài viết trên đã làm rõ về hình thức trả cổ tức, cách thức thực hiện cũng như những lưu ý cần biết về vấn đề này. Có thể thấy, pháp luật quy định khá chi tiết và cụ thể các vấn đề trả cổ tức, từ đó, giúp các nhà đầu tư hiểu rõ và lựa chọn hình thức nhận cổ tức phù hợp.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh